Việt Nam công bố kết quả Điều tra Quốc gia về người khuyết tật (2016)

Việt Nam công bố kết quả điều tra của việc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế ở quy mô lớn để thu thập thông tin toàn diện về cuộc sống của trẻ em khuyết tật nói riêng và người khuyết tật nói chung

10 Tháng 1 2019
children with disabilities survey
UNICEF Viet Nam\Truong Viet Hung

Hà nội, ngày 11 tháng 1 năm 2019 – Hôm nay tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố kết quả Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam. Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế để xác định và thu thập các thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam, do Tổng cục Thống kê tiến hành trong hai năm 2016 và 2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF.

“Mục đích của điều tra là đánh giá tình trạng khuyết tật của dân số và điều kiện kinh tế - xã hội nhằm cung cấp bằng chứng phục vụ lập kế hoạch, chính sách cải thiện cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam”, ông Vũ Thanh Liêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu.

Khuyết tật ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam. Hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.

Theo kết quả điều tra, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa. Cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Mặc dù, người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách BHYT nên điều kiện nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế, nhưng rất ít người khuyết tật (2.3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.

Kết quả điều tra cũng cho thấy loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em là khuyết tật liên quan đến tâm lý xã hội. Điều này liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ em ở các giai đoạn khác nhau và những khuyết tật này có thể là rào cản lớn ngăn cản sự hòa nhập xã hội của trẻ em khuyết tật.  “Cần có thêm nỗ lực để cung cấp các dịch vụ nhằm giúp phát hiện, can thiệp sớm và phục hồi chức năng cộng đồng để trẻ em khuyết tật có thể phát triển tối đa tiềm năng và tham gia đầy đủ vào cộng đồng cũng như toàn xã hội”, bà Lesley Miller, Quyền Trưởng Đại diện UNICEF phát biểu.

Điều tra cũng chỉ ra rằng cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật.  Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật. Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực, nhưng chỉ có 2% trường Tiểu học và Trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.

“Chính phủ Australia tự hào cùng hợp tác với UNICEF và Tổng cục Thống kê trong việc cải thiện cuộc sống cho trẻ khuyết tật”, Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam phát biểu. “Kết quả của cuộc điều tra này đã cũng cấp những thông tin có chất lượng cao giúp đo lường những tiến bộ trong việc thực hiện quyền của người khuyết tật và đảm bảo sự tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ và giáo dục”

Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật là một trong những điều tra quốc gia đầu tiên trên thế giới về người khuyết tật, sử dụng kết hợp Bộ câu hỏi mở rộng của Nhóm Washington (WG) dành cho người trưởng thành và Mô-đun đo lường thực hiện chức năng của trẻ em (CFM) của UNICEF/ Nhóm Washington để xác định người khuyết tật. Cuộc điều tra được thực hiện với sự hỗ trợ của các Bộ ngành, các tổ chức Quốc tế. Đặc biệt là sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, Nhóm Washington về Thống kê khuyết tâṭ và Chính phủ Australia.

 

 

Cần thêm thông tin, xin liên hệ:

Liên hệ báo chí

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Chuyên gia Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 38500225
ĐT: +84 (0)904154678

Nguồn bổ sung

children with disabilities survey

Khuyết tật ở trẻ em khó xác định hơn ở người lớn do trẻ em đang trong quá trình phát triển. Ở mỗi độ tuổi, khả năng thực hiện những hoạt động như vận động, nhận thức, giao tiếp, chơi đùa, kết bạn, ứng xử và tập trung có thể khác nhau ở từng em nhưng không cần phải coi là vấn đề liên quan đến khuyết tật. Chính vì vậy, việc sử dụng công cụ phù hợp để xác định khuyết tật ở trẻ em là điều rất quan trọng. Cuộc Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật do Tổng Cục Thống kê thực hiện thành công năm 2016-2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF đã sử dụng Bộ câu hỏi về chức năng của trẻ em để nhận dạng trẻ khuyết tật do Nhóm kỹ thuật Washington và UNICEF xây dựng năm 2016. Việt Nam là một trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng bộ công cụ chuẩn quốc tế về xác định khuyết tật trẻ em. 

Giới thiệu về UNICEF

UNICEF thúc đẩy quyền và phúc lợi của mọi trẻ em, trong tất cả các hoạt động của mình. Cùng với các đối tác, chúng tôi hoạt động tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ để biến cam kết thành hành động thiết thực, tập trung nỗ lực đặc biệt vào việc tiếp cận những trẻ em dễ bị tổn thương nhất và bị loại trừ, vì lợi ích của tất cả trẻ em, ở khắp mọi nơi.

Để biết thêm thông tin về UNICEF và công việc mà chúng tôi đang làm vì trẻ em hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi 

Đồng hành cùng UNICEF trên FacebookInstagram và Twitter