Khi con dạy chúng ta cách yêu thương
Nhờ có Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự hỗ trợ của UNICEF, giáo dục hòa nhập đã trở thành hiện thực đối với Hoàng Nhân và những trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt khác ở Việt Nam.

- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
“Không phải chỉ mình dạy con, mà con cũng dạy mình rất nhiều cách thương yêu con,” anh Sinh cho biết khi nhìn con trai, Hoàng Nhân, đang chơi với chiếc ô tô đồ chơi màu xanh.
Nhân là một cậu bé thân thiện, nghịch nghợm và hiếu kỳ. Năm nay em lên sáu tuổi. Hễ cứ có ai đó nhắc đến ô tô là em lại mỉm cười, và trên khắp các bức tường màu xanh trong phòng trọ gia đình em là những chú voi do chính em vẽ.
Sau khi được chẩn đoán chứng rối loạn phát triển lúc khoảng hai tuổi, Nhân đã được bố mẹ đưa đến Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục Hòa nhập do UNICEF hỗ trợ thành lập ở Ninh Thuận, một tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam. Thành lập năm 2017, đây là một trong số 20 trung tâm tại Việt Nam được thiết kế để làm cầu nối cho trẻ em khuyết tật tham gia học tại các trường phổ thông.
Ở Việt Nam, khoảng 400.000 trẻ em khuyết tật không được đi học,[1] và ngay cả khi các em được đi học, cứ bảy giáo viên thì chỉ có một người được đào tạo về phương pháp giáo dục cho trẻ em khuyết tật.[2]
UNICEF Việt Nam đang nỗ lực cùng với Chính phủ và các đối tác mở rộng mô hình trung tâm trên toàn quốc, nhằm giúp trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt như Nhân được nhận sự hỗ trợ cần thiết để được giáo dục hoà nhập tại trường học bình thường với bạn bè đồng trang lứa.


Bất ngờ nhận chẩn đoán
Khi Nhân lên một tuổi, cha mẹ em nhận thấy em chậm phát triển hơn so với các bạn nhỏ khác. Em có biểu hiện tăng động thái quá và không thể chú ý hay tập trung.
“Mình gọi mà bé không quay lại, không biết là người ta kêu mình luôn. Có một thời điểm bé bị rối loạn giấc ngủ nữa, nửa khuya bé vẫn còn thức, đến sáng bé lại ngủ,” mẹ của Nhân, chị Ngân, chia sẻ. “Tối ba mẹ đi làm về rất là mệt rồi thì bạn ý lại thức."
Anh Sinh và chị Ngân quyết định đi từ Ninh Thuận đến một bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh, nơi bác sĩ chẩn đoán Nhân bị chứng “rối loạn phát triển”, một dạng bệnh lý ảnh hưởng đến cách trẻ tương tác, học tập và cư xử.
Ngày đó, cả hai anh chị đều cảm thấy hoang mang và thất vọng.
"Khi bác sĩ thông báo là cháu bị rối loạn, mình không hiểu bệnh đó là bệnh gì và không biết theo hướng nào để giúp đỡ con. Bác sĩ cũng nói là bệnh này không chữa được," anh Sinh kể lại. “Sinh ra một đứa con đã khó rồi. Tin đó làm cho hai chúng tôi đều không có động lực để làm việc, chán nản, muốn buông xuôi."
Những lo lắng của anh chị xuất phát từ thực tế là trẻ em khuyết tật thường thiếu các nguồn lực và cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình. Trẻ em với nhu cầu giáo dục đặc biệt như Nhân phải đối mặt với những rào cản trong việc tham gia học tại các trường phổ thông và hòa nhập với cộng đồng như bao trẻ em khác – các em có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Các Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục Hòa nhập được Chính phủ, UNICEF và các đối tác thành lập và nhân rộng trên toàn quốc, nhằm giảm bớt những rào cản này cho trẻ em và góp phần làm cho hệ thống giáo dục mang tính hòa nhập và công bằng hơn. Tại trung tâm ở tỉnh Ninh Thuận, UNICEF đã hỗ trợ về cơ sở vật chất và nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ trong những ngày đầu thành lập.

Một hành trình mới
Với tình yêu thương vô điều kiện dành cho Nhân, không lâu sau, anh Sinh và chị Ngân bắt đầu tìm hiểu thêm về tình trạng của con mình và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Do sống ở xa, gia đình đã chuyển về gần trung tâm, nơi bố mẹ Nhân gặp cô Hương, cô giáo của Nhân.
"Nhân là một cậu bé rất đáng yêu. Nhân rất thích nói chuyện và chơi với người khác nhưng mà bạn ý chưa biết cách giao tiếp phù hợp,” cô Hương nhớ lại những ngày đầu gặp Nhân. "Chơi thì bé chỉ thích chơi một mình, không cần có sự tham gia của ba mẹ luôn. Bạn bè mà tới là bạn ý sẽ tìm mọi cách đuổi. Đồ chơi của bạn ý bạn ý sẽ giữ một mình. Rất nhiều kỹ năng cơ bản bạn ý chưa biết làm để tự chăm sóc mình."
Ngày qua ngày, chị Hương và các giáo viên tại trung tâm yêu thương và chăm sóc cho hơn 70 trẻ em. Nhiều em được học xen kẽ ở trung tâm và trường phổ thông vào các ngày khác nhau trong tuần. Mỗi trẻ có một tính cách, những điểm mạnh, sở thích và hoàn cảnh khác nhau.
Cha mẹ của Nhân và trung tâm cùng phối hợp để hỗ trợ bé. Khi Nhân gặp khó khăn trong việc tập trung, các trò chơi được thiết kế để cải thiện khả năng tập trung của em. Khi em không biết cách sử dụng ngón tay, thầy cô kiên nhẫn hướng dẫn em. Khi việc bắt chước trở nên khó khăn, cha mẹ em chỉ dẫn Nhân bằng tình yêu thương.
Anh Sinh và chị Ngân tạo thói quen đón con cùng nhau, cùng con làm bài tập về nhà và nói chuyện với con trước khi đi ngủ mỗi ngày. Chị Ngân còn tham gia vào các buổi học cùng con ở trung tâm và kèm con học ở nhà.
"Trời mưa, hai mẹ con cũng cầm ô ra nghịch nước nghịch cát với nhau để bạn ý học được cách là có người khác chơi với mình. Cô chỉ hỗ trợ, cha mẹ của Nhân kiên nhẫn dạy em hết mọi thứ," cô Hương kể.


Phát hiện sớm và can thiệp sớm
Hơn bốn năm đã trôi qua kể từ ngày đầu tiên Nhân đến trung tâm. Trước sự vui mừng và ngạc nhiên của mọi người, cậu bé đã tiến bộ một cách rõ rệt. Việc xác định sớm tình trạng rối loạn phát triển và can thiệp ngay trong những năm đầu đời đã giúp gia tăng cơ hội để Nhân có thể phát triển hết tiềm năng của mình.
"Trong quá trình đó cũng có nhiều khó khăn, nhưng nhờ có các thầy cô bên trung tâm hỗ trợ, bây giờ bé đã có rất nhiều tiến bộ so với trước kia rất nhiều," bố mẹ Nhân vừa nói vừa không cầm được nước mắt.
Giờ đây, Nhân đã có thể tương tác với các thành viên trong gia đình mình mỗi ngày. Thế giới của em đã mở rộng hơn để chào đón cả ông bà, các cô dì và chú bác. Nhờ có biện pháp can thiệp sớm hiệu quả, em đã biết nói, biết hát; em có thể đặt câu hỏi; em biết chú ý nhiều hơn và bắt chước không chút do dự.
"Mình mừng cho chính vợ chồng mình và con mình, tại vì lúc đầu sợ ba mẹ sẽ già đi thì không ai lo cho con. Bây giờ thấy con có tiến bộ như vậy thì cũng mừng là sau này con có thể tự lo được cho mình," bố mẹ em nói, lòng tràn đầy hy vọng cho tương lai của em.
Giáo dục hòa nhập cho mọi trẻ em
Nhân là một trong số khoảng 1,3 triệu trẻ em [3] khuyết tật ở Việt Nam.
Như mọi trẻ em, trẻ em khuyết tật cũng có niềm vui, hoài bão và ước mơ.
Như mọi trẻ em, trẻ em khuyết tật xứng đáng có cơ hội tham gia và làm việc trong cộng đồng của mình.
Một nền giáo dục hòa nhập, trong đó trẻ em từ mọi hoàn cảnh được học tập và phát triển cùng nhau, là điều cần thiết để giúp mỗi trẻ em hiện thực hóa ước mơ. UNICEF Việt Nam luôn cam kết đảm bảo rằng tất cả trẻ em như Nhân đều có thể được hưởng nền giáo dục hòa nhập mà các em xứng đáng để phát huy hết tiềm năng của mình.
Ghi chú
[1] Báo cáo Tóm tắt Giáo dục Việt Nam, 2022
[2]Kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam 2016-2017