Kết quả hoạt động của UNICEF năm 2022
Dành mọi cơ hội cho mọi trẻ em

- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Với Chương trình hợp tác Quốc gia 2022-2026, UNICEF Việt Nam góp phần đem lại những kết quả quan trọng trong việc đảm bảo sự sống và thay đổi cuộc sống của trẻ em, đặc biệt là trẻ em dễ bị tổn thương nhất trong năm 2022. Những kết quả trên đạt được là nhờ sự hỗ trợ của các nhà tài trợ song phương chủ chốt và sự tham gia ngày càng tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân, những đóng góp từ Nguồn lực cốt lõi của UNICEF và sự tận tâm của các đối tác và các cán bộ UNICEF tại Việt Nam.
UNICEF đã hợp tác với 12 đối tác cấp quốc gia và 6 đối tác cấp địa phương tại Việt Nam để đạt được kết quả đáng khích lệ cho trẻ em và cộng đồng trong năm 2022.
Năm 2022 đòi hỏi sự cân bằng giữa đại dịch COVID-19 và việc triển khai vắc xin tại Việt Nam, đồng thời có định hướng lộ trình phục hồi sau đại dịch và giải quyết những bất bình đẳng đáng lo ngại để đảm bảo không một trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.
UNICEF Việt Nam đã góp phần tăng cường các quyền của trẻ em, hỗ trợ hoàn thiện các hệ thống chăm sóc và bảo vệ trẻ em, áp dụng cách tiếp cận nhạy cảm giới – bao gồm chăm sóc y tế, bảo vệ trẻ em, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng, nước sạch, vệ sinh môi trường và giáo dục. Việc đổi mới và duy trì, tiếp tục tập trung vào 'thí điểm hướng tới kết quả trên quy mô lớn', và mở rộng phạm vi truyền thông hiệu quả đã đem lại các kết quả đáng khích lệ đối với trẻ em và cộng đồng.
Thực trạng trẻ em năm 2022
Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể cho trẻ em, nhiều trẻ em vẫn có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
- Trong khi số lượng người sống trong nghèo đói trên toàn quốc tiếp tục giảm, nhóm hộ nghèo kinh niên và những người sống trong tình trạng nghèo đa chiều vẫn là mối quan tâm chính ở các vùng sâu vùng xa và một số nhóm dân tộc thiểu số.
- Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất trên thế giới. Đáng tiếc là, đại dịch đã khiến cho các lĩnh vực y tế và dinh dưỡng khác bị trì trệ. Tỷ lệ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em dưới 1 tuổi đã sụt giảm đáng kể, từ 80% trong những năm gần đây xuống còn 67% vào tháng 11 năm 2022; hơn 200.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng; hoặc cứ 5 trẻ em dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thấp còi- con số này cao gần gấp đôi so với trẻ em nghèo ở nông thôn.
- Khả năng tiếp cận với nước sạch vệ sinh an toàn vẫn còn thấp ở các vùng nông thôn. Ước tính có khoảng 7,7 triệu trẻ em không được tiếp cận đầy đủ nước sạch vệ sinh tại trường học.
- Mặc dù đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực giáo dục, song bất bình đẳng vẫn là một vấn đề quan trọng. Cứ 5 người ở độ tuổi 19 thì chỉ có 1 người thuộc nhóm nghèo nhất đang đi học, trong khi con số này ở nhóm giàu nhất là 4 người.
- Giai đoạn đại dịch COVID-19 đã nâng cao nhận thức của mọi người và cho thấy số lượng phụ nữ và trẻ em bị bạo lực trên cơ sở giới và các hình thức bạo lực khác tăng lên đáng kể. Điều này cũng thể hiện rằng xã hội đang thiếu một hệ thống bảo vệ phụ nữ và trẻ em hiệu quả, khiến họ có nguy cơ bị bỏ rơi, bị xâm hại, bị buôn bán và chịu các hình thức bạo lực khác, bao gồm những hình phạt bạo lực đối với trẻ em (72,04%) bởi chính những người chăm sóc bảo hộ các em.
- 21,7% thanh thiếu niên cho biết các em đã gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong năm qua. Lo âu (18,6%) và trầm cảm (4,3%) là những vấn đề phổ biến nhất ở thanh thiếu niên Việt Nam.
- Điều đe dọa nhiều hơn đối với những nỗ lực cải thiện cuộc sống của trẻ em chính là thực trạng đất nước đang chịu những tác động của biến đổi khí hậu, những cơn bão, trận lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em và các gia đình nghèo.
Bất chấp những thách thức trên, UNICEF làm việc không ngừng nghỉ để tìm ra giải pháp góp phần đem lại những kết quả rõ rệt cho mọi trẻ em.
Kết quả năm 2022 – Sự sống còn của trẻ em
- Từ năm 2021, UNICEF đã cung ứng hơn 85 triệu liều vắc xin COVID-19 và hỗ trợ các nỗ lực nâng cao nhận thức về vắc xin.
- UNICEF đã hỗ trợ Chính phủ trong việc tăng cường bao phủ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em.
- UNICEF đã hỗ trợ nâng cao nhận thức và củng cố hệ thống về các dịch vụ chăm sóc y tế và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em.
- Tại các tỉnh được UNICEF hỗ trợ, khoảng 45.000 phụ nữ mang thai đã được khám thai ít nhất 4 lần, hơn 73.600 bà mẹ đã được chăm sóc đúng kỹ thuật và khoảng 67.500 ca được chăm sóc thiết yếu cho bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau khi sinh.
- UNICEF đã hỗ trợ các cơ quan y tế để tăng cường nguồn lực và tập trung vào vấn đề dinh dưỡng. Trong đó có một nghiên cứu về các tác động tiềm năng của việc áp thuế đồ uống có đường đối với tỷ lệ mắc một số bệnh có liên quan.
- UNICEF đã hỗ trợ đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em và cung cấp các sản phẩm điều trị. Chúng tôi ủng hộ rằng sự sống còn của trẻ em rất quan trọng, nêu bật nhu cầu tăng cường sự chú ý và nguồn lực – điều này có nghĩa là đưa các sản phẩm điều trị vào bảo hiểm sức khỏe cho trẻ em.
“Cháu không còn bị ốm và có thể ăn uống tốt! Cháu cũng không còn khóc nhiều như trước nữa. Bây giờ tôi thấy yên tâm đi làm rồi. Tôi rất biết ơn nhân viên y tế, UNICEF và chính phủ đã hỗ trợ và cung cấp cho chúng tôi sản phẩm kỳ diệu này.”
Mẹ của bé gái 1 tuổi ở Điện Biên chia sẻ vì con của chị được sử dụng thực phẩm đặc trị chữa bệnh do UNICEF hỗ trợ.
- UNICEF đã hỗ trợ nâng cấp các hệ thống Nước sạch & Vệ sinh môi trường (NS & VSMT) với công nghệ cải tiến thích ứng với biến đổi khí hậu, như nhà vệ sinh tái chế nước, thiết bị nước mưa và năng lượng mặt trời để cung cấp nước sạch và vệ sinh an toàn cho 20.000 người, bao gồm cả học sinh.
- Các sự kiện như Tuần lễ NS & VSMT Quốc gia, Ngày Rửa Tay Thế giới và Ngày Toilet Thế Giới đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và tăng cường đầu tư cho lĩnh vực NS&VSMT. Các sự kiện này liên quan đến NS&VSMT trong trường học, tiếp cận hơn 10.000 người bao gồm 7.223 học sinh – trong đó 6.322 em là người dân tộc thiểu số và 64 em là người khuyết tật.
“Từ lúc có nước sạch về thì con không còn bị ốm hay bị đau họng gì nữa. Lúc trường chưa có nước sạch về, con chỉ đi vệ sinh và rửa tay ở nhà thôi, không đi được ở trường.”
Bé gái 9 tuổi ở Điện Biên vui sướng khi được sử dụng nước sạch tại trường với sự hỗ trợ của UNICEF.

Kết quả năm 2022 – Giáo dục

“Tuổi thơ tôi không có tivi chứ đừng nói đến máy tính bảng. Khi các thầy cô giáo dạy chúng tôi những lý thuyết khoa học khác nhau, chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng cách áp dụng thực tế thế nào trong cuộc sống.”
Một giáo viên tại Lào Cai hào hứng chia sẻ cảm nhận về những thay đổi kỳ diệu từ chuyển đổi số trong giáo dục.
- 21 triệu trẻ em được hưởng lợi từ các chính sách cải thiện giáo dục, trong đó có 700.000 trẻ em khuyết tật và gần 3 triệu trẻ em thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số.
- UNICEF đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) để mở lại trường học, với trọng tâm là tái thiết tốt hơn thông qua việc lập kế hoạch ứng phó với khủng hoảng một cách bền vững hơn.
“Chúng tôi không chỉ dạy bảo cho con mà còn phải học từ con cách yêu thương con của mình cần phải như thế nào sẽ tốt hơn.”
Chia sẻ của một người cha của cậu bé 6 tuổi tại Ninh Thuận. Anh và vợ đã đồng hành cùng con vượt qua rất nhiều khó khăn và thử thách khi con của mình bị mắc chứng rối loạn phát triển.

- UNICEF góp phần mang lại cơ hội học giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em thuộc nhóm LGBTI.
- UNICEF đã hợp tác với các cơ quan Giáo dục và Thư viện Số Toàn cầu để thúc đẩy phát triển trẻ em toàn diện và giáo dục hòa nhập bằng cách tạo điều kiện để mọi trẻ em được tiếp cận các nguồn tài liệu đọc miễn phí dành cho lứa tuổi mầm non bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc và ngôn ngữ ký hiệu. Đã có 1.440 nguồn tài nguyên số được phát triển bằng 9 ngôn ngữ.
- UNICEF và các đối tác đã cộng tác để điều chỉnh áp dụng các chương trình trò chơi thực tế ảo nhằm cải thiện kỹ năng tập trung của trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
- UNICEF đã tiến hành một nghiên cứu về các yếu tố rủi ro sức khỏe tâm thần liên quan đến trường học trong khuôn khổ hỗ trợ Bộ GD&ĐT nâng cao, phòng ngừa và xây dựng chương trình về sức khỏe tâm thần tích cực trong trường học.
- UNICEF đã thực hiện một nghiên cứu thị trường phân tích những lợi ích và khó khăn của việc lắp đặt Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tại các trường công lập.
Kết quả năm 2022 – Bảo vệ trẻ em
- Mạng lưới UNICEF đã hỗ trợ Chương trình chung của Liên Hợp Quốc tiếp cận hơn 20 triệu người thông qua các chiến dịch thay đổi nhận thức và hành vi nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
- UNICEF tập trung vào hỗ trợ Chính phủ củng cố khung pháp lý bảo vệ trẻ em, làm cho hệ thống tư pháp trở nên nhạy cảm hơn với trẻ em và nâng cao năng lực của các nhân viên làm việc trong các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp để cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em ưu việt và giúp tiếp cận tư pháp trẻ em.
- UNICEF giúp đảm bảo sự sẵn có của các dịch vụ có chất lượng để phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm trong các trường hợp xâm hại, bạo lực, buôn bán trẻ em, bóc lột lao động và tình dục trẻ em vì mục đích thương mại, bên cạnh việc chuyển gửi hàng ngàn nạn nhân đến các dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt và phục hồi.
- UNICEF đã đóng góp vào việc phát triển hệ thống chăm sóc thay thế cho những trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt, bao gồm trẻ mồ côi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Hệ thống này nâng cao kỹ năng quản lý ca cho 700 cán bộ tuyến đầu và hỗ trợ 100 trẻ mồ côi vì COVID-19 từ tổng số 600 trẻ em được khảo sát.
- UNICEF đã đẩy mạnh quan hệ đối tác với Chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật, trường học, các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong việc sử dụng Internet an toàn để bảo vệ trẻ em trong thời đại số.

“Em thường phụ mẹ đi lượm ve chai trên phố. Em muốn mẹ sống tốt hơn và không bị bệnh.”
Một cậu bé vào lớp 2 khi tròn 13 tuổi tại tp TP.HCM chia sẻ. Cậu bé đã phải làm việc để phụ giúp mẹ từ khi còn rất nhỏ và chưa bao giờ hoàn thành một năm học do gia đình phải thay đổi chỗ ở liên tục.
Kết quả năm 2022 – An sinh xã hội
- UNICEF đã tiến hành tham vấn với Chính phủ và các đối tác phi chính phủ, chia sẻ thông tin và thống nhất các bước tiếp theo đối với các khuyến nghị quan trọng trên tất cả các lĩnh vực quyền trẻ em do Ủy ban về Quyền trẻ em đưa ra.
- UNICEF đã cung cấp dữ liệu và nghiên cứu để hỗ trợ Chính phủ xây dựng các chương trình và chính sách xã hội hiệu quả, công bằng và thích ứng với biến đổi khí hậu hơn cho trẻ em.
- UNICEF chủ trương đảm bảo đầu tư công đầy đủ vào trẻ em và khoản đầu tư trên được phản ánh trong Chiến lược Phát triển Tài chính Quốc gia giai đoạn 2021-2030.
- Tính đến cuối năm 2022, UNICEF đã tư vấn cho hơn 10.000 cha mẹ là công nhân trong các nhà máy trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
- UNICEF tiếp tục hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để thúc đẩy Quyền Trẻ em và các Nguyên tắc Kinh doanh cũng như các doanh nghiệp có trách nhiệm thông qua các thông lệ, tiêu chuẩn và chính sách công của doanh nghiệp.
“Từ khi có hỗ trợ, Dương cũng tiến bộ nhiều trong học tập. Cháu trước phải học lại lớp 1, nhưng giờ thuận lợi lên được lớp 2, 3, 4.”
Chia sẻ của một người mẹ bị bệnh có hai con nhỏ tại thành phố Đà Nẵng (người con lớn của chị bị khuyết tật trí tuệ). Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhờ sự hỗ trợ của chương trình bảo trợ xã hội, gia đình chị dù phải trải qua nhiều khó khăn nhưng vẫn nuôi hai con an toàn và khỏe mạnh.

UNICEF xin cảm ơn!
UNICEF xin cảm ơn tất cả các đối tác tài trợ đã hỗ trợ chúng tôi trong năm 2022.
Kết quả đáng khích lệ này là nhờ có sự hỗ trợ và đồng hành của các cá nhân, doanh nghiệp, quỹ, tổ chức đa phương và chính phủ đã đóng góp cho UNICEF trên toàn cầu, cũng như các nguồn tài trợ dành riêng cho từng lĩnh vực từ các đối tác khác nhau.
UNICEF Việt Nam xin bày tỏ sự biết ơn chân thành đối với những đóng góp này. Đây là những đóng góp giúp mang lại kết quả cho trẻ em Việt Nam.