
Trà Long, 13 tuổi: “Em thường phụ mẹ lượm ve chai trên phố. Em muốn mẹ được sống tốt hơn.”
Trà Long nằm trong số 1 triệu lao động trẻ em tại Việt Nam.[i] Cùng với các đối tác, UNICEF mang đến sự thay đổi lâu dài cho cuộc sống của trẻ em để các em được học tập, vui chơi, cười đùa, mơ ước và phát huy toàn diện tiềm năng của mình.
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Trà Long năm nay tròn 13 tuổi. Em chỉ vừa học hết lớp một do nơi ở không ổn định và việc học bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19.
Theo lời chia sẻ của Trà Long: “Em thường phụ mẹ đi lượm ve chai, rồi có khi mẹ em bệnh thì em ra ngoài đường ngồi xin. Em muốn mẹ sống tốt hơn và không bị bệnh.”
Trà Long sống cùng mẹ là cô Mỹ Dung tại thành phố Hồ Chí Minh, trong một căn trọ nhỏ không cửa sổ và chỉ lớn hơn tấm đệm hai mẹ con nằm một chút. Tháng trước, hai mẹ con suýt bị đuổi khỏi nhà vì cô Dung không trả tiền nhà đúng hạn.
Cô Dung kể: “Chiều mát mát tầm 4 đến 5 giờ, hai mẹ con bắt đầu đi nhặt ve chai. Có khi 7 giờ tối hai mẹ con mới đi, chừng nào Trà Long kêu buồn ngủ mới đưa cháu về.”

Trong vài năm vừa qua, nhờ có sự tư vấn và hỗ trợ của Cơ sở Bảo trợ Xã hội Thảo Đàn là một trong những đối tác nhận hỗ trợ từ UNICEF, Trà Long đã trở lại trường và tiếp tục đi học. Giờ đây, em được đến một trường học gần nhà, được tận hưởng niềm vui học hỏi những điều mới mỗi ngày.
Thực trạng phức tạp của lao động trẻ em tại khu vực thành thị
Với nụ cười má lúm đồng tiền và đôi mắt sáng màu nâu giống mẹ, Trà Long cười toe khoe bộ Lego mẹ em nhặt được khi thu lượm ve chai kiếm sống. Sau giờ học, em cùng mẹ rong ruổi trên khắp các con đường, tay em níu mẹ không rời. Em giúp mẹ xách túi ve chai bởi tay chị Dung đã đau gần 10 năm nay.

“Hai mẹ con từng ngủ ở trên cầu,” theo lời kể chị Tuyết Mai, nhân viên công tác xã hội tại Cơ sở Bảo trợ xã hội Thảo Đàn. Thảo Đàn là cơ sở hỗ trợ và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương tại thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm trẻ em di cư, lao động kiếm sống trên đường phố, trẻ em có nguy cơ cao/là nạn nhân của xâm hại, ngược đãi, bóc lột và trẻ em vi phạm pháp luật v.v. Cơ sở đã thường xuyên hỗ trợ sinh hoạt phí và kết nối các dịch vụ giáo dục, xã hội cho Trà Long và mẹ trong vài năm nay để em có thể tiếp tục đi học.
Bà Lê Thị Ngân, Giám đốc Cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn chia sẻ: “Nhiều năm qua, Thảo Đàn nhận được hỗ trợ của UNICEF và chú trọng vào việc theo sát từng em một. Với những trường hợp đặc biệt giống như Trà Long, thì chúng tôi không dùng một dịch vụ mà phải tích hợp nhiều dịch vụ để giúp trẻ thay đổi từ cuộc sống nhiều nguy cơ sang môi trường sống an toàn.”
Ở thành phố Hồ Chí Minh, nhiều em nhỏ như Trà Long đang làm những công việc không chính thức như bán vé số hay nhặt đồng nát. Một phần lớn trong số đó là trẻ em di cư, phải rời quê hương lên thành phố để mưu sinh.
Lớn trước tuổi
Nằm cách thành phố Hồ Chí Minh ba giờ lái xe, tỉnh Đồng Tháp là nơi mà người dân không còn xa lạ với thực trạng trẻ em và người già ở lại quê, còn thanh niên và người lớn di cư đến các thành phố để tìm việc. Nhiều em nhỏ, đặc biệt là trẻ em gái, phụ trách việc nấu ăn, dọn dẹp, trông em. Khi phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19, khó khăn tài chính dễ khiến các em bỏ học để đi làm.
Khác với bạn bè đồng trang lứa, ở tuổi 16, Như Ý đã phải tự bươn chải để kiếm sống qua ngày. Do cha mẹ chia tay từ khi em mới sinh ra, Như Ý chưa từng gặp mẹ và hiếm khi gặp cha em đang sống ở xa. Bà nội, người nuôi em từ bé và dành cho em tình thương vô điều kiện, đã đột ngột qua đời trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

“Hồi lớp bảy, em quyết định nghỉ học vì gia đình em khó khăn quá. Gia đình thiếu thốn không có tiền để đi học,” Như Ý kể khi nhớ lại thời điểm đầu đại dịch, lúc các chú, bác của em mất việc làm trên thành phố.
Mặc dù học rất giỏi nhưng Như Ý đã quyết định dừng việc học để phụ giúp bà. Từ lúc nghỉ đến nay em đã làm nhiều công việc khác nhau, từ gói bánh cốm đến phụ giúp ở trạm xăng. Hiện giờ em đang đi bưng phở mỗi buổi tối tại một quán ăn gần nhà.
Trở lại trường học để theo đuổi ước mơ
Tình hình có sự biến chuyển khi chị Kiều Oanh, một Cán bộ Bảo vệ trẻ em cấp xã được UNICEF hỗ trợ biết về câu chuyện của Như Ý. Chị Oanh thường xuyên tới thăm nhà và nói chuyện với em và gia đình về những nguy cơ khi phải lao động sớm và tầm quan trọng của việc đi học. Chị giúp Như Ý được nhận học bổng của địa phương và hỗ trợ thêm về tài chính.

Chị Kiều Oanh nhớ lại: “Sau một thời gian, gia đình hiểu được việc học rất quan trọng và tiếp tục cho bé đi học. Nhờ tham gia các lớp tập huấn của UNICEF, được bổ sung thêm kiến thức, mình đã phát hiện được nhiều trường hợp trẻ em có nguy cơ trong đó có Như Ý, tiếp cận, can thiệp và hỗ trợ kịp thời để em có thể tiếp tục đi học.”
Đồng hành cùng Như Ý trong suốt hai năm qua, chị Kiều Oanh là thành viên của Ban Bảo vệ trẻ em mà UNICEF đã hỗ trợ thành lập và củng cố tại tất cả các xã của Đồng Tháp nhằm ngăn chặn và xóa bỏ vấn nạn lao động trẻ em. Giờ đây, Như Ý ngày ngày vui tới trường để theo đuổi ước mơ trở thành cảnh sát.
Một tương lai xán lạn
Bên cạnh những thành tựu đạt được của Việt Nam, lao động trẻ em vẫn còn phổ biến và trẻ em phải lao động sớm đối mặt với nguy cơ cao bị bóc lột và bạo lực.
Cùng với sự phối hợp đa ngành, UNICEF đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam kiến tạo một môi trường mà tất cả trẻ em được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực và bóc lột. UNICEF hỗ trợ xây dựng và củng cố lực lượng bảo vệ trẻ em để nhiều cán bộ như chị Kiều Oanh được nâng cao năng lực và kỹ năng, đồng thời phát huy vai trò của ngành giáo dục trong việc hỗ trợ trẻ em dễ tổn thương để các em không bỏ học. Như Ý và Trà Long là hai trong số hàng triệu trẻ em mà UNICEF đã can thiệp hiệu quả.
Theo lời bà Lê Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam: “UNICEF cũng thúc đẩy hợp tác với khu vực tư nhân nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc ngăn chặn lao động trẻ em. Chúng tôi cũng giúp tăng cường năng lực của chính phủ trong công tác thanh tra lao động trẻ em, đặc biệt là trong khu vực kinh tế phi chính thức.”
Cùng với các đối tác, UNICEF đang nỗ lực đảm bảo quyền lợi cho mọi trẻ em Việt Nam, sao cho các em không phải lao động và được hưởng nền giáo dục có chất lượng. Chỉ khi đó, ước mơ của những em nhỏ như Trà Long và Như Ý mới trở thành hiện thực.
[i] Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2018