Thay đổi nhỏ làm nên những tác động lớn
Trần Anh Bảo và Trần Anh Kha phấn khởi khi kể chuyện về một điều mới mẻ trong gia đình mình mà nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ là bình thường
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Trần Anh Bảo và Trần Anh Kha phấn khởi, tự hào khi kể chuyện về một điều mới mẻ trong gia đình mình mà nhiều người trong chúng ta có thể nghĩ là rất bình thường. Hai anh em sống ở tỉnh An Giang, một tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hai cậu bé tươi cười, phấn khởi, khoe với chúng tôi nhà vệ sinh và nhà tắm mới xây.
Công trình nước sạch sinh hoạt đã thay đổi hai em thế nào?
Trong căn nhà khiêm tốn của gia đình, công trình vệ sinh mới này có ý nghĩa rất lớn với hai Anh Bảo, Anh Kha, em gái Kim Ngân và ông bà. Từ nay, gia đình của các em đã có thể đánh bay nguy cơ nhiễm bệnh và giữ gìn sức khỏe nhờ có công trình nước sạch sinh hoạt và vệ sinh mới.
Đây là một thay đổi rất lớn đối với gia đình của Bảo và Kha, tại xã Phước Hưng, huyện An Phú. Từ trước tới nay, vì không có nhà vệ sinh tại nhà nên cả gia đình đều phải đi vệ sinh trong bụi rậm hoặc trực tiếp xuống kênh mương.
Cuộc sống giờ đây đã thay đổi với Bảo, Kha và cả gia đình sau khi hai anh em tham dự buổi giới thiệu do UNICEF hỗ trợ ở trường với mục đích thúc đẩy thói quen rửa tay và vệ sinh của học sinh. Sau buổi giới thiệu, hai em về nhà thuyết phục bằng được ông bà xây nhà tắm và nhà vệ sinh ở nhà. Ông bà cũng là người giám hộ và chăm sóc các em vì bố mẹ em phải lên thành phố Hồ Chí Minh làm việc kiếm sống. Với số tiền lương hưu ít ỏi dành dụm được cộng với chút hỗ trợ của bố mẹ Bảo và Kha, ông bà cũng xoay sở thu xếp được 11 triệu đồng (khoảng 500 đô la Mỹ) để trang trải chi phí xây dựng.
UNICEF và đơn vị tài trợ đã làm gì với công trình nước sạch sinh hoạt?
Trong suốt thời gian này, với nguồn tài trợ từ KAO, UNICEF đã hỗ trợ nâng cấp các công trình nước sạch, vệ sinh, môi trường xuống cấp tại 18 trường, tổ chức tập huấn cơ bản về sử dụng và duy trì các công trình vệ sinh, khuyến khích thói quen vệ sinh cho 170 giáo viên tại 40 trường. Để hướng dẫn cho học sinh biết cách sử dụng các công trình vệ sinh và rửa tay bằng xà phòng, các trường đã bầu ra tổ vệ sinh để theo dõi và khuyến khích các em học sinh rửa tay sạch sẽ và các thói quen hợp vệ sinh khác trong giờ giải lao. Hoạt động này đã giúp hình thành cho các em học sinh thói quen lành mạnh ở trường, giúp các em trở thành những người đi đầu phong trào nước sạch, vệ sinh, môi trường ở cộng đồng, khuyến khích người thân trong gia đình cũng hình thành các thói quen lành mạnh như vậy.
Phương thức tiếp cận này đã và đang mang lại những kết quả tích cực, cụ thể là 140 làng xã đã được công nhận “không phóng uế bừa bãi” vào cuối năm 2017 theo tiêu chí của Bộ Y tế, với 220.000 người dân được hưởng lợi trực tiếp.
Các hoạt động rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh môi trường trong nhà trường và mô hình làng xã “không phóng uế bừa bãi” ở tỉnh An Giang đã được học tập, nhân rộng sang các tỉnh UNICEF hỗ trợ. Các cơ quan ở cấp trung ương cũng vào cuộc bằng cách tăng cường các nỗ lực cải thiện nước sạch sinh hoạt, vệ sinh tại trường học và chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi ở các cộng đồng dân cư trên cả nước.
Để tiếp tục giải quyết những tồn tại này, các hoạt động can thiệp của UNICEF năm 2018 sẽ được nhân rộng ở Điện Biên, một tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, là nơi sinh sống của một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số. Tại đây, khoảng 70% người dân chưa có công trình vệ sinh. Với sự hỗ trợ của KAO, dự án hi vọng sẽ tiếp cận được 35.000 trẻ em tại 60 trường học trong giai đoạn năm năm.
“Hỗ trợ từ KAO rõ ràng đã giúp chúng tôi cải thiện tình hình nước sạch sinh hoạt, vệ sinh, môi trường tại các trường học và cộng đồng người dân ở An Giang. Khi các hoạt động được nhân rộng ra tỉnh Điện Biên, nhiều trẻ em cần sự hỗ trợ sẽ được hưởng lợi từ dự án này. Thay mặt cho các trẻ em Việt Nam, UNICEF xin gửi lời cảm ơn sự hỗ trợ tài chính hào phóng của KAO giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ em và các gia đình ở Việt Nam,” Bà Nguyễn Thanh Hiền, Cán bộ phụ trách Nước sạch, Vệ sinh và Môi trường của UNICEF Việt Nam."