UNICEF Khuyến khích kỷ luật tích cực trong cách giáo dục trẻ
Bài bình luận của Lesley Miller - Quyền Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam về các hình thức kỷ luật trong cách giáo dục trẻ đang được áp dụng tại Việt Nam
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Giáo viên là những người dẫn dắt, đưa các em đến cánh cửa tương lai đầy rộng mở. Bởi trên con đường học vấn, thầy cô chính là người truyền cảm hứng, đưa ra những thử thách, chuẩn bị hành trang và truyền sức mạnh cho những công dân toàn cầu đầy tinh thần đổi mới và trách nhiệm. Là người vận động trẻ em đến trường, đồng hành cùng trẻ và giúp trẻ học tập. Mỗi ngày như thế, các thầy cô giáo vẫn đang nỗ lực xây dựng nguồn tri thức cho sự phát triển tương lai đất nước trong thế kỷ 21. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, UNICEF xin gửi lời cảm ơn đến tất cả thầy cô giáo vì những cống hiến to lớn của các thầy cô qua bao thế hệ học trò.
Không điều gì có thể thay thế được một người giáo viên tốt. Một em gái 14 tuổi dân tộc Nùng ở Lào Cai tâm sự “Em rất thích thầy Trung, giáo viên môn lịch sử. Thầy không bao giờ mắng chúng em khi chúng em mắc lỗi ở trên lớp. Thầy chỉ bảo và giải thích rất ân cần từ đó chúng em có thể rút kinh nghiệm mà không cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi,”
Điều đáng tiếc là không phải trẻ em nào cũng có ấn tượng tốt như thế về giáo viên của mình. Trừng phạt bằng đòn roi và những hình thức kỷ luật khác như xúc phạm bằng lời nói vẫn là một trải nghiệm thường xuyên ở trường học đối với nhiều trẻ em ở Việt Nam. Trách phạt bằng bạo lực và sự chấp thuận cho phương pháp này lâu nay là bởi quan niệm cho rằng đánh đòn hay những hình thức xử phạt mạnh bạo là một cách giáo dục trẻ em hiệu quả.
Ở Việt Nam, Luật Giáo dục năm 2005 đã nghiêm cấm những hành vi trừng phạt gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thân thể học sinh ở trường học. Tuy nhiên trên thực tế không như vậy, vấn đề này vẫn còn tồn tại và tiếp tục gây nhức nhối. Một nghiên cứu do UNICEF thực hiện năm 2015 cho thấy hơn một nửa học sinh Việt Nam không thích trường học vì lý do bị bạo lực, bao gồm xâm hại thể chất và lời nói bởi giáo viên và bạn bè.
Gần đây, UNICEF Việt Nam đã thực hiện khảo sát nhanh U-Report về chủ đề cách giáo dục trẻ bằng bạo lực ở trường học bởi các giáo viên và những người lớn khác ở trường. Kết quả thăm dò ý kiến cho thấy trong số 417 người trả lời, 34% cho biết đã từng là nạn nhân bị xâm hại bằng lời nói nhiều hơn một lần và 59% đã chứng kiến những cảnh tượng này trong trường học trong vòng 12 tháng qua. Khi được hỏi về trừng phạt thể chất, 18% số người trả lời khảo sát cho biết họ đã từng trải qua hình thức kỷ luật này nhiều hơn một lần và 37% số học sinh cho biết đã từng chứng kiến việc này.
Trừng phạt gây ảnh hưởng đến thân thể học sinh không phải là một phương pháp phù hợp để rèn luyện kỷ luật đối với trẻ em. Trừng phạt bằng bạo lực làm trẻ em sợ hãi, buồn bã, cảm thấy bị xúc phạm, bẽ mặt và bối rối. Đôi khi điều này cũng gián tiếp khiến trẻ có những hành vi chống đối và hiếu thắng. Kỷ luật mang tính bạo lực và những tác động tiêu cực của nó như kết quả học tập sa sút, chuyên cần giảm và bỏ học sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và tinh thần của trẻ rất nhiều. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến tương lai của trẻ. Chấm dứt bạo lực trong trường học mới có thể giúp trẻ em lấy lại được động lực học tập trong một môi trường giáo dục thân thiện với tất cả điều kiện thuận lợi.
Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em đã khẳng định rõ ràng không một hình thức bạo lực nào đối với trẻ em mà có thể được chứng minh là cách giáo dục trẻ đúng đắn. Và một điều đáng mừng là đã có các giải pháp cho vấn đề này. UNICEF đang phối hợp cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng các biện pháp phòng, chống không để bạo lực xảy ra và xử lý, giải quyết khi xảy ra bạo lực như tạo ra những giải pháp có tính bảo mật và dễ dàng tiếp cận đối với học sinh để các em có thể báo cáo bất kỳ hành vi bạo lực nào trong trường học mà không lo sợ bị trả đũa. UNICEF cũng đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xây dựng khái niệm “kỷ luật tích cực” ở Việt Nam. Đây là phương pháp tiếp cận trang bị cho giáo viên và người chăm sóc trẻ những phương tiện và kỹ năng cần thiết để dạy cho trẻ những hành vi phù hợp và chủ động phòng tránh không để xảy ra những hành vi không phù hợp.
Hôm nay, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy cùng gửi lời tri ân và bày tỏ sự ủng hộ của chúng ta với các thầy cô giáo của Việt Nam, đặc biệt là những tấm gương như thầy Trung, những người có trách nhiệm tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh. Không có nền tảng nào vững chắc hơn cho phát triển bền vững bằng một nền giáo dục chất lượng với đội ngũ thầy cô giáo tâm huyết được đào tạo chuyên nghiệp, những người luôn thấu hiểu, cảm thông, động viên khuyến khích và tôn trọng học sinh.
Liên hệ báo chí
Giới thiệu về UNICEF
UNICEF thúc đẩy quyền và phúc lợi của mọi trẻ em, trong tất cả các hoạt động của mình. Cùng với các đối tác, chúng tôi hoạt động tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ để biến cam kết thành hành động thiết thực, tập trung nỗ lực đặc biệt vào việc tiếp cận những trẻ em dễ bị tổn thương nhất và bị loại trừ, vì lợi ích của tất cả trẻ em, ở khắp mọi nơi.
Để biết thêm thông tin về UNICEF và công việc mà chúng tôi đang làm vì trẻ em hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi
Đồng hành cùng UNICEF trên trang Twitter và Facebook