Chương trình hợp tác nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên

INL, IOM, và UNICEF khởi động khung hợp tác nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép.

14 Tháng 6 2022

Mục tiêu của sự kiện

Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2022 - Cơ quan Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật Quốc tế (INL), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hôm nay công bố khung hợp tác kéo dài 3 năm nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên, bảo vệ người chưa thành niên khỏi bị xâm hại, đồng thời nâng cao hiệu quả phòng, chống Mua bán người và Đưa người di cư trái phép.

“INL cùng phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam vinh dự được phối hợp với các đối tác chính phủ Việt Nam, các tổ chức IOM và UNICEF nhằm hỗ trợ thực hiện một dự án hướng tới bảo vệ những thành viên quý giá nhưng cũng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội.  Bảo vệ trẻ em cũng chính là cách để chúng ta gìn giữ tương lai của chính quốc gia của mình” – Trợ lý Ngoại trưởng INL Todd D. Robinson phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam từ thủ đô Washington.

Trợ lý Ngoại trưởng INL Todd D. Robinson phát biểu tại sự kiện
UNICEF Việt Nam\Vũ Lê Hoàng
Trợ lý Ngoại trưởng INL Todd D. Robinson phát biểu tại sự kiện

Trẻ em Việt Nam đang gặp những vấn đề gì?

Bị xâm hại dưới nhiều hình thức

Năm 2020, theo ước tính của Chính phủ Việt Nam, số trẻ em bị xâm hại dưới các hình thức khác nhau bao gồm bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc chiếm khoảng 5% tổng số trẻ em Việt Nam.[1] Nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy rằng những trẻ em cần tiếp cận các cơ chế tư pháp hoặc bảo trợ xã hội cũng chính là nhóm phải đối mặt với nguy cơ bị mua bán và bóc lột cao hơn hẳn – vì vậy, nhóm dễ bị tổn thương này phải nhận được sự quan tâm đặc biệt, thậm chí là cấp thiết từ các bên liên quan. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trẻ em chiếm khoảng 40% tổng số nạn nhân bị mua bán được xác định trong năm 2021.

Tác động của COVID 19

Bằng chứng thực tế cũng chỉ ra rằng những tác động về mặt kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra càng khiến số trẻ em dễ bị tổn thương tăng cao, bao gồm trẻ em trong các gia đình bị mất nguồn sinh kế; gia tăng bạo hành và bạo lực trên cơ sở giới trong gia đình; ngày càng nhiều trẻ phải bỏ học để đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình. Thực tế các vụ việc xảy ra cũng cho thấy các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương chính là mục tiêu mà những kẻ mua bán người thường xuyên nhắm đến, không chỉ tại địa phương mà cả trên môi trường mạng.

“Bạo lực đối với trẻ em, đặc biệt là mua bán và bóc lột trẻ em, là một thảm kịch, và hệ thống bảo vệ trẻ em cần được tăng cường ở mọi quốc gia để tránh thảm kịch này. UNICEF hoạt động trên toàn thế giới nhằm góp phần chấm dứt nạn xâm hại trẻ em. Vì vậy hôm nay, chúng tôi rất vui mừng với sự hợp tác này nhằm hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống tư pháp cho người chưa thành niên. Đối với nhiều trẻ em, việc bị lấy lời khai tại cơ quan điều tra hoặc phải ra trước tòa là một trải nghiệm gây sốc. Trong khi đó, với một số trẻ em khác, kết quả xử lý vụ án lại không phù hợp với lợi ích tốt nhất của các em. Mặc dù các nguyên tắc cốt lõi đã được quy định rõ ràng trong Công ước về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác, hệ thống tư pháp không phải lúc nào cũng thân thiện với trẻ em. Hiện nay, Việt Nam đã hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở 60% tỉnh và thành phố trên cả nước. Bây giờ chính là lúc để hoàn thành tiến trình này và đảm bảo rằng các nhu cầu đặc biệt và tính dễ bị tổn thương của trẻ em được cân nhắc đầy đủ, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF cho biết.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại lễ khởi động khung hợp tác giữa INL, IOM, và UNICEF
UNICEF Việt Nam\Vũ Lê Hoàng
Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại lễ khởi động khung hợp tác giữa INL, IOM, và UNICEF nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và năng lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép

Những gì cần làm hiện tại

Tăng cường hệ thống pháp lý

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực to lớn trong việc hoàn thiện pháp luật, hiện vẫn chưa có một văn bản luật toàn diện về tư pháp người chưa thành niên để tạo nền tảng vững chắc cho một hệ thống tư pháp người chưa thành niên riêng biệt và đặc thù. Bên cạnh đó vẫn còn những lỗ hổng pháp luật khác cần được giải quyết nhằm nghiêm cấm và trừng trị mọi hình thức xâm hại và bạo lực đối với người chưa thành niên, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân và tạo điều kiện cho người chưa thành niên tham gia hiệu quả trong quá trình tố tụng hình sự để đòi hỏi quyền của mình và yêu cầu thực thi công lý. Vì vậy, cần tiếp tục cải cách hệ thống tư pháp người chưa thành niên một cách toàn diện để đảm bảo đầy đủ các quyền của mọi trẻ em và xây dựng một hệ thống tư pháp người chưa thành niên toàn diện và đặc thù.

Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và các chương trình trẻ em

Bên cạnh một khung pháp lý vững chắc, việc triển khai thi hành pháp luật một cách hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng. Quan hệ hợp tác lần này sẽ tập trung nhiều hơn nữa vào nâng cao năng lực toàn diện, nhằm đảm bảo thay đổi cách tư duy và phương pháp hoạt động – bằng cách làm việc trực tiếp với các bên có trách nhiệm bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, đặc biệt là các bên liên quan trong khối tư pháp. Việc trang bị cho lực lượng công an, bộ đội biên phòng, thẩm phán, luật sư và cán bộ tòa án những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thực hiện các thủ tục và biện pháp tư pháp thân thiện và nhạy cảm giới với người chưa thành niên là vô cùng cần thiết. Để đấu tranh phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép đạt hiệu quả cao, việc thể chế hóa và phân bổ đầy đủ các nguồn lực cho bồi dưỡng năng lực cho các lực lượng này sẽ giúp đảm bảo mọi cán bộ tham gia vào công tác này có đủ kỹ năng để áp dụng phương pháp lấy nạn nhân làm trung tâm và hiểu biết về sang chấn tâm lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, bà Park Mihyung - Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam nhận định.

Bà Park Mihyung - Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam
UNICEF Việt Nam\Vũ Lê Hoàng
Bà Park Mihyung - Trưởng phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam tại lễ khởi động khung hợp tác giữa INL, IOM, và UNICEF nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và năng lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép

Hướng tiếp cận của dự án 

Dự án hợp tác kéo dài 3 năm và thông qua cách tiếp cận ba hướng:

  • Hoàn thiện chính sách, pháp luật để bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật phù hợp với Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam đã tham gia.
  • Tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ hành pháp, bao gồm lực lượng bộ đội biên phòng và cán bộ tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến nạn nhân là người chưa thành niên, đặc biệt là người chưa thành niên bị xâm hại tình dục và mua bán.
  • Nâng cao khả năng tiếp cận của người chưa thành niên bị xâm hại tới các dịch vụ bảo vệ kịp thời và chất lượng.

Lời kết

IOM và UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính phủ Việt Nam để triển khai thực hiện các hoạt động dự án.

INL, IOM, và UNICEF khởi động khung hợp tác nhằm tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên và năng lực của Việt Nam trong phòng chống mua bán người và đưa người di cư trái phép
UNICCEF Việt Nam\Vũ Lê Hoàng

[1] Báo cáo 217/BC-CP ngày 14 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ về việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em


Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

  • Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, ĐT: +84 2438500225, +84 (0) 904154678; E-mail: ntthuong@unicef.org
  • Bà Doyen Yun, IOM Việt Nam, Tel: +84 24 38501813, Email: dyun@iom.int

Liên hệ báo chí

Bà Raquel Fernandez
Trưởng Chương trình Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 3850 0100
ĐT: +84 (0)98 549 9748
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Chuyên gia Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 38500225
ĐT: +84 (0)904154678

Vài nét về UNICEF

UNICEF hoạt đông ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, tiếp cận những trẻ em thiệt thòi nhất trên thế giới. Để cứu mạng sống của trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em. Giúp trẻ em phát triển hết tiềm năng của mình. Hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, UNICEF làm việc vì mọi trẻ em, ở mọi nơi, mỗi ngày, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Và chúng tôi không bao giờ lùi bước. Để biết thêm thông tin về COVID-19, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi/covid-19

Để biết thêm thông tin các chương trình và dự án của UNICEF dành cho trẻ em, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi 

Đồng hành cùng UNICEF trên FacebookInstagramTwitter và TikTok