Những khoảng khắc trong đời
Thăm khám tận nhà, cứu sống nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Điện Biên
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
“Hồi đầu khi em mới làm cô đỡ thôn bản, em cũng rất run và sợ. Nhưng khi nghe thấy em bé cất tiếng khóc chào đời, em biết là mọi việc sẽ ổn và những lo lắng của em bỗng nhiên tan biến. Em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào với công việc mình đang làm,” Thào Thị Sú chia sẻ. Sú, 27 tuổi, dân tộc Mông, đã làm cô đỡ thôn bản từ năm 2010 tại thôn Há Là Chủ A nằm ở vùng sâu vùng sa của tỉnh miền núi phía Bắc - Điện Biên. Su đã đỡ đẻ thành công cho hơn 70 em bé và bà mẹ trong thôn của mình. Khi trong thôn có một bà mẹ trẻ mới biết mình có thai, Sú thường là người đầu tiên họ tìm đến để tìm hiểu và hỏi ý kiến.
Mặc dù Sú gặp phải rất nhiều khó khăn trong công việc của mình, nhưng không có gì ngăn cản nổi việc cô muốn cứu mạng sống của các bà mẹ trẻ và trẻ sơ sinh trong thôn mình. Các hộ gia đình trong thôn Sú sinh sống nằm rải rác khắp nơi và cách xa nhau. Có những hôm Sú phải leo núi, địa hình hết sức khó khăn, để đến được nhà của những phụ nữ đang mang thai mà Sú đang theo dõi và giúp đỡ. Khi trời mưa thì việc đi lại lại càng trở nên khó khăn hơn. Sú vẫn còn nhớ có lần Sú được một chị phụ nữ đang chuyển dạ gọi đến vì người phụ nữ này muốn sinh nở tại nhà. Vừa tới nơi, Sú đã phát hiện thấy người mẹ có dấu hiệu biến chứng băng huyết. Sú tìm mọi cách và cuối cùng cũng thuyết phục được gia đình ngay lập tức đưa bà mẹ đang chuyển dạ đến bệnh viện huyện và đó là một quyết định đúng đắn, kịp thời giúp cứu sống cả bà mẹ và đứa trẻ.
“Hồi đầu khi em mới làm cô đỡ thôn bản, em cũng rất run và sợ. Nhưng khi nghe thấy em bé cất tiếng khóc chào đời, em biết là mọi việc sẽ ổn và những lo lắng của em bỗng nhiên tan biến. Em cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào với công việc mình đang làm,”
Sú tâm sự, “Nếu lúc đó em không kiên quyết khi đưa ra lời khuyên với gia đình, thì bà mẹ và đứa trẻ đã không thể sống sót được. Thuyết phục gia đình không dễ dàng vì trong thôn có một số bà mẹ khác đã sinh con ngay tại nhà. Khi quá trình sinh nở có dấu hiệu biến chứng xảy ra vào nửa đêm, nếu chúng ta không đưa bà mẹ đến bệnh viện huyện sớm thì sẽ có thể dẫn đến nguy cơ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.” Một trong những khó khăn, thách thức mà Sú phải đối mặt là quan niệm và thói quen của người dân địa phương đã tồn tại rất lâu đời, họ tin rằng phụ nữ không được sinh nở tại trung tâm y tế khi có sự hiện diện của bác sỹ hoặc y tá là nam giới.
Hôm nay, Sú đang đi thăm gia đình của bà mẹ trẻ tên là Dung, cũng là người dân tộc Mông. Dung mới sinh cháu thứ hai cách đây 3 tuần, một bé trai khỏe mạnh. Bà mẹ 20 tuổi sống ở một thôn vùng sâu vùng xa cùng với hai con của mình. Dung phải ở trong nhà ít nhất là một tháng để hoàn toàn hồi phục sau lần sinh nở thứ hai, và vừa phải chăm sóc đứa con trai đầu lòng nay đã được 2 tuổi và rất hiếu động. Mẹ của Dung và em trai của Dung giúp đỡ cô thêm trong việc trông cháu. Theo văn hóa địa phương, bà mẹ và trẻ sơ sinh không được ra khỏi nhà trong một vài tháng đầu sau khi sinh, do vậy chuyến vãng gia của cô đỡ thôn bản là cơ hội duy nhất để khám sức khỏe cho em bé mới sinh, cũng như đảm bảo sự phục hồi của bà mẹ sau khi sinh. Sú thường xuyên đi thăm các hộ gia đình trong thôn có bà mẹ trẻ và trẻ em mới sinh như gia đình Dung. Sú cố gắng thăm mỗi bà mẹ ít nhất hai tuần một lần, hoặc bất kỳ khi nào họ cần giúp đỡ. Mỗi lần thăm hộ gia đình, Sú thường kiểm tra sức khỏe của bà mẹ và cân nặng của trẻ để đảm bảo rằng trẻ em phát triển khỏe mạnh bình thường.
Sú nhận thấy giành được tình cảm và sự tin tưởng của phụ nữ trong thôn là một điều hết sức quan trọng bởi vì nhiều quan niệm truyền thống khiến cho người dân dè dặt trong việc hỏi ý kiến của nhân viên y tế cộng đồng. Sú tin tưởng rằng tất cả trẻ em trong thôn mình đều có thể lớn lên một cách khỏe mạnh và phát triển hết tiềm năng của mình khi bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc y tế bởi những cô đỡ thôn bản được tập huấn một cách chuyên nghiệp. Sú ví thời gian này của trẻ sơ sinh là “những thời điểm quan trọng trong cuộc đời”.
UNICEF và Johnson & Johnson đang hợp tác chặt chẽ ở Việt Nam để đảm bảo rằng các nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản tại cộng đồng như Sú được tập huấn đầy đủ để phục vụ những bà mẹ và trẻ sơ sinh tại các tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa - nơi rất thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như thế này. Trong đợt tập huấn vừa qua, Sú và 500 cô đỡ thôn bản của ba tỉnh đã được học về các can thiệp sớm thiết yếu trong chăm sóc trẻ sơ sinh, hỗ trợ quá trình sinh nở, kỹ thuật chăm sóc trẻ sơ sinh bằng phương pháp kangaroo cho bà mẹ, và tất cả các kỹ năng cần phải thành thạo trong công việc. Với những hỗ trợ của các đối tác trong việc tập huấn cho các nhân viên y tế cơ sở và đầu tư cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở cộng đồng, Sú quan sát thấy tình hình bà mẹ và trẻ sơ sinh tử vong ở thôn mình đã giảm xuống một nửa. Đây là một bước tiến rất quan trọng ở một địa phương vùng sâu vùng xa còn nghèo của tỉnh Điện Biên.