Nhìn lại thành công của chiến dịch “Cùng nhau hành động sớm"
Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em

- English
- Tiếng Việt
Chiến dịch truyền thông sáng tạo “Cùng nhau hành động sớm - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em” vừa gây tiếng vang lớn đối với trẻ em Việt Nam trên khắp cả nước. Chiến dịch do Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp thực hiện với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, thu hút hơn 33.000 người tham gia và tiếp cận được 1,6 triệu người trước khi kết thúc vào tháng 12 năm 2022.
Hưởng ứng ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN về quản lý thiên tai, Chiến dịch truyền thông có mục tiêu nâng cao nhận thức, tăng cường kỹ năng giúp trẻ em sẵn sàng ứng phó trước những tác động đang ngày càng gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu; đồng thời, lan tỏa thông điệp: “Hành động ngay hôm nay vì một tương lai an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em”.
Chiến dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu, trong bối cảnh Việt Nam là 1 trong 13 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, với 27 triệu trẻ em - nhóm đối tượng dễ bị tổn thương về thể chất và tâm lý trước các rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về tần suất và cường độ.
Chiến dịch đã thực hiện chuỗi hoạt động đầy tính sáng tạo, hấp dẫn, bao gồm gameshow "Chiến thắng Internet”, lần đầu tiên có phiên bản về thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho trẻ em với chủ đề – Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng – một trong những địa phương thường xuyên hứng chịu những tác động cực đoan do thiên tai gây ra đã thu hút hơn 6.000 em học sinh tham gia. Thử thách làm video “1 phút xanh” trên mạng xã hội “Cùng em hành động sớm, Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu " – cuộc thi tạo ra hiệu ứng bùng nổ, lan tỏa trên toàn quốc với hơn 25.000 trẻ em tham gia và gửi gần 9.000 video tham dự thử thách.
Cuối cùng là Giải chạy "Tiếp sức phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em" – giải chạy đầu tiên được tổ chức với ý nghĩa lan tỏa những thông điệp về phòng chống thiên tai và ứng phó BĐKH hướng tới đối tượng trẻ em, động viên tinh thần, rèn luyện sức khỏe với 2 hình thức chạy trực tuyến và trực tiếp tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Giải chạy trực tuyến thu hút khoảng 1.000 người tham dự và giải chạy trực tiếp thu hút hơn 1.000 vận động viên tham gia đường chạy, trong đó có 500 vận động là trẻ em. Tổng số km người tham gia thực hiện ở cả hai hình thức lên tới 16.000.
Đặc biệt, tổng cộng 1,6 triệu người đã tiếp cận các nội dung thông điệp truyền thông của toàn bộ chiến dịch.
Đồng hành cùng chiến dịch, các cơ quan báo chí, những người nổi tiếng - sứ giả truyền thông của chiến dịch như vũ công Quang Đăng, ca sỹ, diễn viên Duy Khoa, vận động viên Châu Tuyết Vân cùng nhiều người nổi tiếng khác đã đưa tin về các hoạt động và lan tỏa thông điệp của chiến dịch tới cộng đồng.

“Trẻ em là một trong những nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước thiên tai và biến đổi khí hậu do tính dễ tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội. Song đồng thời, trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước cũng đóng vai trò là một tác nhân thay đổi tích cực vì một xã hội an toàn hơn trước thiên tai. Thành công của Chiến dịch “Cùng nhau hành động sớm – Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em”… đã chứng minh cho nhận định trên”, ông Vũ Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng thường trực Bản Chỉ đạo Quốc Gia về Phòng chống thiên tai phát biểu tại lễ tổng kết chiến dịch tại Đà Nẵng ngày 10/12/2022.
“Tuy tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi, nhưng nếu chúng ta cùng nhau hợp tác, chúng ta có thể ứng phó và thích nghi hiệu quả hơn. Do đó, UNICEF ưu tiên các hành động khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường trong năm tới. UNICEF kêu gọi mỗi chúng ta có mặt tại đây ngày hôm nay - Trẻ em, gia đình, các cơ quan, và cộng đồng - xin đừng chờ đợi, hãy chung tay và có những hành động thiết thực và quyết đoán ngay từ bây giờ vì một Việt Nam xanh, sạch và an toàn cho mọi trẻ em”, ông Maharajan Muthu, Trưởng Chương trình sống còn, phát triển và môi trường, UNICEF tại Việt Nam, phát biểu tại lễ tổng kết.

Dưới đây là câu chuyện từ chính những người tham gia trải nghiệm các cuộc thi trong chiến dịch truyền thông “Cùng nhau hành động sớm - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh trước thiên tai và biến đổi khí hậu cho mọi trẻ em”.
1. Gameshow "Chiến thắng Internet – Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu"

Chiến dịch được đưa lên màn ảnh nhỏ tới với các học sinh trên cả nước, với 2 số đặc biệt trong Gameshow “Chiến thắng Internet”. Lần đầu tiên, gameshow cho thấy cách ứng phó của trẻ em trước thiên tai và biến đổi khí hậu với chủ đề: “Sẵn sàng trước thiên tai và biến đổi khí hậu”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Cùng em hành động sớm trước thiên tai” hưởng ứng ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ngày ASEAN về quản lý thiên tai, do Tổng cục Phòng chống Thiên tai và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung Tây Nguyên tổ chức. Cuộc thi được chiếu trên kênh truyền hình phát sóng toàn quốc, góp phần tạo ra một sân chơi bổ ích cho các em học sinh tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Lê Dương Khánh Linh, 14 tuổi, học sinh lớp 9 trường THCS Lê Độ, thành phố Đà Nẵng là một trong hơn 6.000 học sinh từ 5 trường tại 5 quận tham gia vòng sơ khảo. 10 học sinh xuất sắc nhất đại diện cho các trường sau đó được chọn để thi đấu trực tiếp trong chương trình trên kênh VTV8, tạo động lực cho học sinh cả nước tìm hiểu về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Cuộc thi còn có ý nghĩa khác đối với Linh, bởi em đã trải qua và chứng kiến những tác động của thiên tai do biến đổi khí hậu, khi cơn bão Noru, cơn bão từng được dự báo là lớn nhất đổ bộ Việt Nam trong hai thập kỷ, tàn phá miền Trung trong năm 2022.
“Khi bão đổ bộ vào Đà Nẵng, trời mưa rất to, nước lên rất nhanh. Căn nhà em ở nhanh chóng bị ngập nước tới hơn 1 m”, Linh kể. Linh và những người thân trong gia đình hối hả bê đồ đạc lên tầng cao hơn để tránh ngập.
Tuy gia đình Linh an toàn nhờ di chuyển đồ đạc lên chỗ cao hơn, nó cho thấy tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng để phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.
Bởi vậy, khi cô giáo chủ nhiệm giới thiệu cuộc thi ở lớp, Linh và các bạn rất hào hứng tham gia. “Cuộc thi là sân chơi bổ ích đối với chúng em. Thông qua những cuộc thi như vậy, mọi người có thể nâng cao nhận thức về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, Linh nói. “Em đặc biệt thích yếu tố đòi hỏi phản ứng nhanh từ thí sinh”.
Linh xuất sắc giành chiến thắng tại vòng trường và cũng là 1 trong 2 thí sinh giành giải nhất tại vòng Chung kết cuộc thi, vượt qua 6.000 thí sinh. Thí sinh còn lại là bạn cùng lớp của Linh, Lê Bá Minh Nhật.
Để chuẩn bị cho cuộc thi, Nhật và Linh dành 4 ngày, nhất là các giờ ra chơi, để cùng nhau tìm hiểu kiến thức về nguyên nhân gây thủng tầng ozon, khí nhà kính, vấn đề phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu nhờ thầy cô, bằng cách tra Google cũng như tải ứng dụng phòng chống thiên tai “PCTT” trên điện thoại thông minh.
Thành phố Đà Nẵng ở khu vực Miền Trung, là một trong những địa phương thường xuyên hứng chịu những tác động cực đoan do thiên tai gây ra. Gameshow đã tạo ra sân chơi bổ ích cho các em học sinh khối Trung học cơ sở ở Đà Nẵng và trên toàn quốc, tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; trở thành những tuyên truyền viên đến đến phụ huynh, nhà trường và cộng đồng.

Nhắc đến kỷ niệm nhớ nhất về cuộc thi, Nhật cho biết: “Trong câu hỏi cuối cùng tại vòng trường, em và bạn của mình đã đưa ra đáp án chưa đầy đủ nên em đã rất hồi hộp chờ đợi kết quả từ ban tổ chức. Nhưng cuối cùng em vẫn giành được chiến thắng”.
“Qua cuộc thi, em nhận thấy có nhiều điều mình còn chưa biết, em muốn tìm hiểu thêm thật nhiều kiến thức về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Em mong sẽ áp dụng được những gì đã học vào thực tế để bảo vệ môi trường”, Nhật nói thêm và cho biết em cũng đặt mục tiêu dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong tương lai.
Gameshow đã tạo ra sân chơi bổ ích cho các em học sinh khối Trung học cơ sở ở Đà Nẵng và trên toàn quốc, tìm hiểu các kiến thức, kỹ năng trong phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; trở thành những tuyên truyền viên đến đến phụ huynh, nhà trường và cộng đồng.

2. Giải chạy "Tiếp sức phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu - Vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh cho mọi trẻ em"
Hơn 2.000 người, trong đó có 1.000 người tham gia chạy trên bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng, 1.000 người tham gia chạy trực tuyến, trong giải chạy ngày 10/12/2022. Đây là một phần trong chuỗi hoạt động do Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp thực hiện với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức trong việc ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Sau 6 ngày mưa liên tục, ngày giải chạy diễn ra trên bãi biển Mỹ Khê, trời trong trở lại. Trong số hơn 1.000 người thi chạy hôm đó, có Đinh Thị Khánh Thư, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Chí Thanh.
“Gia đình em có truyền thống yêu thích thể thao. Bố em đã truyền cảm hứng và ủng hộ em tham gia các hoạt động như chơi cầu lông và chạy. Trong giải chạy, em và em gái rất háo hức tham gia khi biết cuộc thi phù hợp với lứa tuổi của cả 2 chị em”, Thư cho biết, khi em là nữ sinh đầu tiên xuất sắc chạm vạch đích cự ly 3km.
Sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, một trong những thành phố ven biển khu vực miền Trung chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, Thư và gia đình trải qua những kỷ niệm về ứng phó với bão và ngập lụt vào năm 2006, 2016 và 2022. Có năm, mái tôn nhà Thư bị thổi tốc do gió mạnh gây dột, gần nhất, nhà em phải tát nước tràn vào.
Giải chạy đã để lại trong Thư ấn tượng sâu sắc. “Em rất thích chạy trên cát vì nó rất vui. Còn người chạy sẽ không chảy máu hay bị thương nếu chẳng may bị ngã”, Thư chia sẻ.
Sau khi đoạt giải, Thư chăm chạy bộ hơn, nhờ bố em động viên: “con về nhất nhưng chưa chắc các giải sau này con sẽ giành giải nhất tiếp, nên cần cố gắng hơn nữa, để giành giải và nâng cao sức khoẻ bản thân”, Thư kể.
Ở nhà, Thư cũng thường xuyên cập nhật thông tin thời sự về bão lũ, biến đổi khí hậu và chia sẻ với các thành viên gia đình. Em biết cần chuẩn bị trước các nguy cơ bằng cách chằng chống nhà cửa, chuẩn bị vật dụng cần thiết như đèn pin, thực phẩm dự trữ dùng cho trường hợp khẩn cấp như mất điện do mưa to. “Trước tiên, cũng cần phải bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất như không vứt rác bừa bãi, không chặt cây gây xói mòn đất, nhặt rác thải nhựa trên bãi biển”, Thư nói.

Giành giải nhất ở hạng mục nam là Huỳnh Kim Thành, học sinh lớp 11 trường FPT tại Đà Nẵng.
“Đà Nẵng nổi tiếng là thành phố bơi - đạp - chạy lý tưởng vì vừa có biển, có núi, có đường rộng rãi. Hàng năm, thành phố đều có các giải thể thao, nhưng đây là lần đầu tiên em tham gia một giải chạy với đối tượng là các bạn đồng trang lứa, gắn với chủ đề chính là phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, Thành nói.
Nam sinh cũng là thành viên nhóm chạy Đà Nẵng đã tham gia nhiều giải chạy từ năm 15 tuổi, trong đó có giải 70 km ở thành phố Sapa, tỉnh Lào Cai. Nhưng ở các cuộc thi khác, em thường thi đấu với những người lớn tuổi hơn mình.
“Các bạn đồng trang lứa với em dành nhiều giờ dùng điện thoại di động thông minh để lướt mạng xã hội Facebook, TikTok hay chơi điện tử. Em nghĩ cần có thêm nhiều hoạt động thể thao như thế này để các bạn được tham gia nhằm tăng cường sức khoẻ”, Thành nói.
Giải chạy đầu tiên được tổ chức với ý nghĩa lan tỏa những thông điệp về phòng chống thiên tai hướng tới đối tượng trẻ em, động viên tinh thần chạy bộ, rèn luyện thể thao với hai hình thức chạy trực tuyến và trực tiếp. Sau khi mở cổng đăng ký chỉ 2 ngày, giải chạy trực tuyến đã có 1.000 người tham dự và chính thức bước vào tranh tài từ ngày 1/11 đến ngày 30/11. Giải chạy trực tiếp tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng vào sáng 10/12 có 500 vận động viên nhí. Giải chạy là ngày hội cho các học sinh, phụ huynh và những chân chạy chuyên nghiệp trở thành những “chân chạy xanh” đóng góp những “bước chân xanh” lan tỏa thông điệp chủ động phòng ngừa giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, cho mọi trẻ em.


Những con số thú vị của cuộc thi
6 tuổi là số tuổi của chân chạy nhỏ nhất cuộc thi
63 tuổi là số tuổi của chân chạy lớn tuổi nhất cuộc thi
202 là số vận động viên nữ từ 6-16 tuổi ở cự ly 3 km
138 là số vận động viên nữ từ 16 tuổi trở lên ở cự ly 15 km
4 là số thành viên đông nhất của 1 gia đình cùng tham gia giải chạy
3. Thử thách làm video ‘1 phút Xanh’ – ‘Cùng em hành động sớm, Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu’

Thử thách làm video “1 phút xanh” qua mạng xã hội Facebook là cuộc thi tạo ra hiệu ứng bùng nổ, lan tỏa mạnh mẽ nhất của chiến dịch trên toàn quốc. Với thể lệ sáng tạo, khuyến khích trẻ em ứng dụng công nghệ mới trong môi trường học tập và hoạt động ngoại khóa, thực hiện các video 1 phút về phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; chỉ sau 4 tuần phát động, nhóm làm phim ‘1 phút xanh’ trên Facebook của UNICEF Việt Nam đã thu hút hơn 24 nghìn thành viên mới với gần 9.000 video tham dự từ thanh thiếu niên trong độ tuổi 13 – 18 tại các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi do Tổng cục Phòng, chống thiên tai – Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp thực hiện với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phát động.
Nguyễn Việt Nhật, 11 tuổi, là một cậu bé khiếm thính bẩm sinh, không thể can thiệp bằng máy trợ thính. Nhật là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em ở Nghệ An, hiện em học lớp 6 tại Trung tâm Nghiên cứu và Thúc đẩy Văn hoá người khiếm thính, trường đại học Đồng Nai, tỉnh Biên Hoà. Dù gặp nhiều khó khăn, cản trở trong việc tiếp thu kiến thức từ khi còn bé, do một số giáo viên không biết ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải cho Nhật, cậu bé vẫn luôn cố gắng nỗ lực học hỏi. Cậu được bạn bè và thầy cô mô tả là tinh nghịch, vui vẻ, thông minh.
Tham gia tích cực cuộc thi thử thách “1 Phút xanh”, Nhật tuần nào cũng nộp các video với chủ đề hấp dẫn, đa dạng về lối sống xanh, bảo vệ môi trường, như trộn trichoderma (một loại chế phẩm sinh học) với rác hữu cơ để làm phân hữu cơ, lọc nước bằng hạt chùm ngây, dùng xe buýt, xe đạp để giảm khí thải ra môi trường, dùng sản phẩm từ tre thay thế cho đồ nhựa. Các video còn dùng ứng dụng đọc lời bình tự động, cùng hình ảnh Nhật giải thích bằng ngôn ngữ ký hiệu, giúp người khiếm thính khác cũng hiểu được nội dung video.
“Con quyết định tham gia cuộc thi ‘1 phút Xanh’ vì muốn thực hành những kiến thức mới được học. Con muốn lan toả đến mọi người nâng cao ý thức về việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và con muốn thử thách bản thân”, Nhật cho biết, theo lời dịch ngôn ngữ ký hiệu của mẹ, chị Nguyễn Thị Hợp. Em biết đến cuộc thi sau khi được cô giáo giới thiệu về có chương trình học online về làm phim ngắn bằng điện thoại của UNICEF do thầy Nguyễn Đình Quyền dạy, có dịch ngôn ngữ kí hiệu.
“Con thấy các video hướng dẫn của UNICEF rất dễ hiểu, con rất thích. Sau ba buổi học online, con tự cầm điện thoại quay các cảnh trong nhà, ngoài ngõ, và về dựng video con rất hào hứng”, Nhật nói.
Với video đầu tiên về chủ đề lọc nước bằng hạt chùm ngây, Nhật hơi bỡ ngỡ. “Là người khiếm thính , không nghe, không nói được nên con nghĩ không cần âm thanh, lời bình. Nhưng sau đó, có nhiều bạn bè, thầy cô góp ý, giải thích là thông điệp truyền đi cho tất cả mọi người, gồm cả người khiếm thính, con mới hiểu và các video sau, con đã ghép nhạc nền và dùng google dịch để đọc lời bình”, Nhật cho hay.
Kết quả chung cuộc, vượt qua hàng nghìn bạn khác, Nhật giành giải nhất, và được mời đến nhận giải tại Đà Nẵng. Tại thành phố biển, Nhật nhớ mãi về lần ghé thăm quán cà phê do người khiếm thính làm chủ và phục vụ, được giao lưu, nói chuyện với mọi người.
“Qua cuộc thi, con học được cách quay, dàn dựng, chỉnh sửa video ngắn. Đồng thời, con cũng có ý thức hơn về việc yêu và bảo vệ môi trường, có trách nhiệm hơn về phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu”, Nhật cho biết. Cậu học sinh lớp 6 còn chia sẻ ước mơ của bản thân. “Con ước mơ sau này lớn lên được đi du học và trở thành giáo viên dạy cho các em nhỏ bị câm điếc giống mình”.
“Cùng nhau hành động sớm” và ý nghĩa của nó vượt xa khuôn khổ một chiến dịch truyền thông bởi sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp và lâu dài trong cộng đồng. Các hoạt động và thông điệp đã đến với tất cả mọi người, thanh thiếu niên, đặc biệt những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật và đã được các em tích cực tham gia và đón nhận.… Chiến dịch truyền thông truyền thông đã mở ra cho mọi em nhỏ Việt Nam những chân trời mới, những ước mơ mà các em chưa từng dám mơ vì một Việt Nam an toàn, sạch và xanh.