Đưa cuộc sống của người dân vùng hạn hán trở lại bình thường

Câu chuyện về cuộc sống thiếu nước sinh hoạt, trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng và những hành động của UNICEF dưới lời kể của Trần Phương Anh trong hành trình đến Ninh Thuận

Trần Phương Anh
Phuong Anh Story 01
UNICEF Viet Nam\Tran Phuong Anh
17 Tháng 1 2017

"Trời đã mưa – một cơn mưa rất dài!! Chị không biết mọi người ở đây đã chờ đợi cơn mưa này bao lâu đâu,” Cha Ma Lế Thị Hem kể lại về cơn mưa vừa tuần trước trong lúc nói chuyện với tôi. Hem là người mẹ 29 tuổi thuộc dân tộc Raglai và cũng giống như nhiều người khác ở tỉnh Ninh Thuận, đã phải vật lộn suốt 36 tháng qua với hậu quả của đợt hạn hán khốc liệt đang hoành hành khắp tỉnh Nam Trung Bộ.

Tôi gặp Hem trong chuyến đi vào cuối tháng 11 đến tỉnh miền Trung với mục đích là gặp gỡ những người phụ nữ của cộng đồng Raglai. Đây là cộng đồng vẫn duy trì tập quán mẫu hệ, nơi những người phụ nữ đóng vai trò trụ cột trong gia đình. Cuộc gặp gỡ khiến tôi không ngừng nghĩ đến những gì mà họ đã phải trải qua trong khoảng thời gian hạn hán kéo dài.

“Gia đình 4 người của chúng tôi phụ thuộc hoàn toàn vào nước. Nhưng không có nước uống và sinh hoạt, không có nước để tưới tiêu cho ruộng bắp của gia đình. Do vậy mà gia đình cũng chẳng có cái ăn,” Hem nói. Và cũng như nhiều người dân địa phương khác, gia đình Hem chủ yếu lấy nước từ sông và suối để sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, trong suốt những tháng khô hạn, các con suối quen thuộc gần nơi ở đều cạn khô. Ngay cả những hồ chứa nước cho cả khu vực cũng khô tới đáy.

Nằm ở khu vực duyên hải Việt Nam, Ninh Thuận là một trong 52 tỉnh thành bị ảnh hưởng bởi hạn hán và ngập mặn do hiện tượng thời tiết El Nino gây ra. Thiếu nước uống, nước sinh hoạt và việc sử dụng nguồn nước không an toàn để giặt giũ, rửa tay và tắm rửa dẫn đến việc gia tăng tình trạng tiêu chảy, bệnh chân tay miệng và các bệnh về da khác. Đặc biệt, việc thiếu nước có tác động rõ rệt đến sức khỏe trẻ em, đặc biệt là làm tăng tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng ở trẻ.

Điều kiện sống thiếu thốn khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng
UNICEF Viet Nam\Tran Phuong Anh
Điều kiện sống thiếu thốn khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng
Những người phụ đóng vai trò trụ cột trong cộng đồng Raglai
UNICEF Viet Nam\Tran Phuong Anh
Những người phụ đóng vai trò trụ cột trong cộng đồng Raglai

Hem có hai đứa con đã từng bị suy dinh dưỡng thể nặng.

“Thấy con bỏ ăn em rất lo. Các cháu ói mửa sau khi ăn, thậm chí giữa các bữa ăn và tình hình tiêu chảy kéo dài. Kèm theo là sốt cao lúc đến lúc đi.” Mặc dù nói là bữa ăn, nhưng thực chất bữa nào gia đình Hem cũng chỉ có cháo trắng loãng cho con ăn. Bé trai thứ hai của Hem tên Cha Ma Lế Phát, 24 tháng tuổi, nặng chỉ có 6kg và được chẩn đoán là còi xương.

“Trong suốt những tháng hạn hán kéo dài, chúng tôi ghi nhận được đỉnh điểm của tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em địa phương, đặc biệt là trẻ thuộc dân tộc Raglai,” bác sĩ Dương Thị Ái Chân, phó trưởng trạm y tế xã Maty, huyện Bắc Ái cho biết. “Khoảng 33.5% trẻ ở xã Maty bị suy dinh dưỡng thể nặng.” Tổng số các trường hợp suy dinh dưỡng thể nặng được phát hiện và điều trị ở tỉnh vào thời điểm hiện tại là 843.

Để duy trì cuộc sống trong những tháng này, Hem, cũng như phần lớn phụ nữ Raglai khác thường phải rời nhà lên Phan Rang để làm thuê giúp việc hoặc làm những công việc tay chân với mức lương rất thấp. Mặc dù vậy, vẫn hiếm khi có đủ việc cho tất cả mọi người.

Sự hiện hữu của đói nghèo trở nên rõ rệt nhất khi đi kèm với tác động của thiên tai. Pina Thị Gái (20 tuổi) có một con gái 2 tuổi, cháu Pina Thị May bị suy dinh dưỡng từ khi sinh. Vài tháng trước, khi cháu tròn 2 tuổi, cháu cân nặng chỉ có 7kg.

Cộng đồng người Raglai đa phần làm nông và trồng trọt, chủ yếu là ngô, đậu xanh và bí ngô. Đối với nhiều người trong số họ, giáo dục không phải là sự lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế.

“Em thường thức dậy vào lúc 4 giờ sáng để sửa soạn bắt đầu một ngày. Chồng em và em đi làm nương ở cách nhà xa vài cây số,” Gái nói. Gái đã bỏ học từ những năm tiểu học. “Suốt thời gian cả năm hạn hán do thiếu mưa, ruộng bắp nhà em trơ cả rễ do không có nước tưới. Chồng em mang theo tài sản duy nhất của gia đình là chiếc xe máy đi lên thành phố tìm việc. Đến cuối ngày về nhà nhưng phần lớn thời gian trở về tay không vì không có việc.” Gia đình Gái kiếm được khoảng 10 đô la một tháng trong thời điểm mất mùa. "Giờ em chỉ ước có thể đi làm nương trở lại ngay khi thức dậy."

UNICEF với chương trình tháng cứu trợ thiên tai tới bà con
UNICEF Viet Nam\Tran Phuong Anh
UNICEF với chương trình tháng cứu trợ thiên tai tới bà con

Cung cấp dưỡng chất cho trẻ em bị suy dinh dưỡng

Một đánh giá chung của Chính phủ, Liên Hợp Quốc và tổ chức phi chính phủ quốc tế vào đầu năm 2016 đã xác nhận nhu cầu hỗ trợ cấp bách của tỉnh là tập trung vào nước, vệ sinh môi trường, sức khỏe dinh dưỡng và an ninh lương thực. Với sự khởi đầu của cơn mưa gần đây, nhu cầu về nước đã giảm. Tuy nhiên, chiến lược cứu trợ của UNICEF không tập trung vào việc cung cấp nguồn nước mà chú trọng vào việc hỗ trợ lọc nước, cung cấp các chất bổ sung vi chất dinh dưỡng và thúc đẩy hành vi an toàn vệ sinh. UNICEF hỗ trợ đến người dân bằng việc cung cấp các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, xử lý nước hộ gia đình và lưu trữ nước an toàn, thúc đẩy vệ sinh để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm.

Cha Ma Lế Phát và Pina Thị May là hai trong số những trẻ em bị suy dinh dưỡng thể nặng được hỗ trợ gói dinh dưỡng bổ sung trong những tháng vừa qua. Để cải thiện tình hình dinh dưỡng ở địa phương, những trẻ suy dinh dưỡng thể nặng và thể thường được ăn bổ sung các gói thức ăn dinh dưỡng Hebi và RUTF. Trong vòng ba tháng vừa qua, cơ thể hai em đã hấp thụ tốt chất dinh dưỡng bổ sung này và tăng trung bình 2kg.

“Trẻ em dân tộc Raglai, đặc biệt là trẻ sống ở khu vực vùng núi được hấp thụ tốt thức ăn dinh dưỡng bổ sung. Các em ăn các gói dinh dưỡng như là nguồn lương thực duy nhất hoặc giữa các bữa ăn,” bác sĩ Huỳnh Thăng Sơn, Giám đốc Trung Tâm Y Tế Dự Phòng tỉnh cho biết.

Trong khi đó, số lượng phụ nữ có thai và đang cho con bú được cung cấp các viên uống bổ sung đa vi chất lên tới 5,549 trường hợp. Số lượng trẻ từ 6 đến 23 tháng tuổi được cung cấp các gói bổ sung đa vi chất để thêm vào thức ăn lên đến 13,300 em.

Cải thiện chất lượng nguồn nước cho người dân địa phương

Mặc dù thói quen uống nước sông không an toàn của người dân địa phương vẫn là vấn đề cần thay đổi. Tuy nhiên, sau khi chúng tôi cung cấp các gói lọc nước tự nhiên hay viên lọc Aquatabs, rất nhiều người dân trở nên quan tâm và hứng thú. Khi được hỏi liệu họ có rõ về các chỉ dẫn sử dụng gói và viên lọc nước, một người dân trong đám đông đã dành lấy micro từ người hướng dẫn và hỏi: “Khi dùng hết đồ cứu trợ thì chúng tôi sẽ mua các gói và viên lọc này ở đâu? Chúng tôi muốn tiếp tục dùng.”

Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu quả của công tác cứu trợ khẩn cấp, Lê Hoàng Sơn, chuyên gia phụ trách hàng hóa cung ứng cứu trợ của Trung Tâm Nước Ninh Thuận suy nghĩ đến một kế hoạch: “Thách thức đối với chúng tôi là giám sát việc sử dụng các hàng hóa cứu trợ của người dân để đảm bảo sẽ không có ai quay trở lại thói quen cũ  là dùng nguồn nước không an toàn mà trong khí đó đồ cứu trợ dùng để lọc nước lại để ở góc nhà.”

Khi tôi rời khỏi tỉnh cùng với một người lái xe người địa phương đã kể câu chuyện dọc đường đi. “Một vài tháng trước, cả khoảng đất trồng cây này đều phủ một màu nâu héo úa. Cây cối, cỏ, cừu và dê đều không thể sống được qua hạn hán. Đất bỏ hoang vì hạn nứt nẻ vết chân chim,” người lái xe nói. Trong khi nghe chị kể chuyện, tôi nhìn xung quanh và chỉ thấy một màu xanh tràn ngập hai bên đường và bắt đầu dấy lên hy vọng. “Tình trạng này kéo dài được bao lâu cơ chứ?” chị nói tiếp, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. “Dự báo là trời lại đổ hạn trong những tháng tới và tình hình hạn hán do thiếu mưa kéo dài triền miên này khó có nhiều khả năng sớm được cải thiện.”

Kết

Để hạn chế những tác động mà thiên tai gây ra cho người dân địa phương và hạn chế tối đa tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng tại những vùng quê nghèo không chỉ là nỗ lực riêng của mình UNICEF mà bên cạnh đó còn là sự đồng hành của tất cả mọi người trong hành trình giúp cho cuộc sống của người dân trở nên tốt đẹp hơn.