Số liệu mới cho thấy tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em ở Việt Nam giảm mạnh trong đại dịch COVID-19

Báo cáo mới đây của UNICEF cho thấy 67 triệu trẻ em trên toàn cầu, bị bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc-xin trong hơn ba năm dịch COVID-19 do các dịch vụ tiêm chủng bị gián đoạn vì hệ thống y tế quá tải, nguồn lực khan hiếm và bị phân tán, tình trạng xung đột

20 Tháng 4 2023
Tiêm chủng Sởi và Rubella tại trung tâm y tế thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang
UNICEF Việt Nam\Trương Việt Hùng
Tiêm chủng Sởi và Rubella tại trung tâm y tế thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn, An Giang

NEW YORK/HÀ NỘI, ngày 20 tháng 4 năm 2023 – Hôm nay, trong báo cáo mới nhất về tiêm chủng, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) đã cảnh báo rằng có tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam, không được tiêm vắc-xin đầy đủ, và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm tại 112 quốc gia trong 3 năm, từ năm 2019 tới năm 2021.  

Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023: Vắc-xin cho mọi trẻ em cho thấy 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vắc xin nào, hay còn gọi là “0 liều vắc-xin”. Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vắc-xin” nhiều nhất thế giới, với số lượng 187.315 trẻ em dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vắc xin nào trong năm 2021. 

Trên thế giới, những trẻ không được tiêm chủng đến từ các cộng đồng nghèo, xa xôi và chịu nhiều thiệt thòi nhất và đôi khi trẻ bị ảnh hưởng bởi tình trạng xung đột. Các dữ liệu mới được tổng hợp phục vụ báo cáo của Trung tâm Công bằng Y tế Quốc tế cho thấy trong nhóm những hộ gia đình nghèo nhất, cứ 5 trẻ em thì có 1 trẻ không được tiêm ngừa vắc xin, trong khi đó, đối với nhóm những hộ gia đình giàu có nhất, tỷ lệ này chỉ là 1 trên 20. Báo cáo cho thấy trẻ em không được tiêm chủng thường sống tại các cộng đồng khó tiếp cận, ví dụ như khu vực nông thôn hoặc khu ổ chuột đô thị. Mẹ của các em thường không được đi học và có ít có tiếng nói trong các quyết định của gia đình. Đây là các thách thức lớn nhất đối với các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, nơi có tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở mức 1 trên 10 em ở khu vực thành thị và 1 trên 6 em ở nông thôn.  

Tại Việt Nam, số liệu cho thấy tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng ở thành thị cao hơn khoảng 1,5 lần so với trẻ em sống ở nông thôn (6,3% - 4,2%), trong khi tỷ lệ này ở nhóm các hộ gia đình nghèo nhất cao gần gấp đôi so với nhóm các hộ gia giàu nhất (13,5% - 6,6%).  

Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết: “Khi đại dịch bùng phát, hoạt động tiêm chủng cho trẻ em bị gián đoạn ở hầu hết các quốc gia, kể cả ở Việt Nam, đặc biệt là do nhu cầu tăng cao đối với hệ thống y tế, điều chuyển nguồn lực tiêm chủng thường xuyên sang tiêm chủng chiến dịch vắc xin COVID-19, sự thiếu hụt nhân viên y tế và thực hiện các biện pháp cách ly tại nhà. Một nguyên nhân nữa là sự chậm trễ trong công tác mua sắm cung ứng vắc xin hiện nay. Chúng tôi rất quan ngại về khả năng bùng phát các dịch bệnh đáng ra có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng, đặc biệt là bệnh sởi. Trẻ em được sinh ra ngay trước hoặc trong thời gian xảy ra đại dịch, hiện đang bước qua độ tuổi thông thường đã được tiêm chủng. Điều này cho thấy sự cần thiết phải hành động một cách nhanh chóng, cấp thiết để kịp thời tiêm phòng cho những trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và ngăn chặn sự bùng phát của các dịch bệnh có thể gây chết người.” 

Báo cáo của UNICEF cũng chỉ ra rằng trong đại dịch COVID-19, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của tiêm chủng cho trẻ em đã suy giảm ở 52 trong tổng số 55 quốc gia được nghiên cứu. Niềm tin về tiêm chủng thay đổi theo từng thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo rằng một số yếu tố diễn ra đồng thời có thể làm gia tăng tình trạng do dự khi tiêm vắc xin. Những yếu tố này bao gồm sự không chắc chắn về công tác ứng phó với đại dịch, mức độ tiếp cận thông tin sai ngày càng gia tăng, niềm tin vào công tác chuyên môn ngày càng giảm bên cạnh tình trạng phân cực về chính trị. 

Để tất cả trẻ em đều được tiêm chủng thì một việc vô cùng quan trọng là phải tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu và cung cấp cho những người lao động tuyến đầu, hầu hết là nữ, những nguồn lực và hỗ trợ mà họ cần. Báo cáo của UNICEF cho thấy phụ nữ là lực lượng tiến hành tiêm chủng ở tuyến đầu nhưng họ thường nhận được mức lương thấp, công việc không chính thức, thiếu đào tạo chuyên môn bài bản, ít cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng thời họ cũng phải đối mặt với các mối đe dọa về an toàn.  

Nhằm giải quyết vấn đề về khủng hoảng liên quan đến sự sống còn của trẻ em, UNICEF đang kêu gọi các chính phủ tăng cường cam kết về gia tăng nguồn lực tài chính cho công tác tiêm chủng và hợp tác với các bên liên quan để khai thác các nguồn lực sẵn có, khẩn trương thực hiện và đẩy nhanh các nỗ lực tiêm chủng để bảo vệ trẻ em và ngăn ngừa các dịch bệnh bùng phát. 

Báo cáo kêu gọi các Chính phủ:  

  • Nhanh chóng xác định và tiếp cận tất cả các trẻ em, đặc biệt là những trẻ không được tiêm chủng trong đại dịch COVID-19.  

  • Tăng cường nhu cầu tiêm chủng, bao gồm xây dựng niềm tin của người dân.  

  • Ưu tiên ngân sách cho các dịch vụ tiêm chủng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.  

  • Xây dựng hệ thống y tế có khả năng chống chịu cao, thông qua đầu tư cho nữ nhân viên y tế, đầu tư vào đổi mới sáng tạo và sản xuất trong nước.  

Theo bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, “Kinh nghiệm của Việt Nam trong việc triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng toàn dân lớn nhất chống lại dịch bệnh COVID-19 đã tạo một nền tảng tốt để Việt Nam có thể giải quyết nhanh chóng tình trạng chậm cung ứng vắc-xin hiện nay và nhanh chóng tiêm bổ sung cho những em chưa được tiêm chủng. Tiêm chủng thường xuyên và hệ thống y tế vững mạnh là những cách thức tốt nhất để ngăn chặn những mất mát và tử vong không nên có, cũng như phòng ngừa các đại dịch trong tương lai.” 


Ghi chú cho Biên tập viên:  

Báo cáo Tình hình Trẻ em Thế giới là báo cáo quan trọng hàng đầu của UNICEF. Ấn bản năm 2023 là ấn bản đầu tiên của báo cáo dành riêng về chủ đề tiêm chủng thường xuyên. Mỗi năm, UNICEF tiếp cận cung cấp vắc xin phòng ngừa cho gần một nửa số trẻ em trên thế giới.  

Sau 00.01 GMT ngày 20 tháng 4, bạn có thể khám phá một tính năng tương tác đặc biệt trên trang web của chúng tôi và tải báo cáo tại đây. 

Các nội dung đa phương tiện, bao gồm ảnh mới, video bổ sung và các nghiên cứu điển hình, vui lòng xem tại đây. 

*Dự án Niềm tin Vắc-xin (VCP) do Trường Y học  & Dịch tễ Nhiệt đới London thực hiện đã theo dõi chỉ số niềm tin của người dân vào vắc-xin bắt đầu từ năm 2015 bằng cách phân tích dữ liệu từ các cuộc khảo sát quốc gia đại diện với phạm vi thực hiện trên toàn quốc. Dữ liệu trình bày trong báo cáo này được lấy từ một nghiên cứu hồi quy quy mô lớn về những thay đổi của chỉ số niềm tin vào vắc xin từ năm 2015 đến tháng 11 năm 2019 và kể từ năm 2021 tới nay. Dữ liệu trong báo cáo này thể hiện một tập dữ liệu nhỏ trong tập dữ liệu đầy đủ hơn do Dự án VCP thu thập. Quý vị có thể xem toàn bộ tập dữ liệu bằng cách sử dụng công cụ bản đồ tương tác này. 

Liên hệ báo chí

Bà Raquel Fernandez
Trưởng Chương trình Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 3850 0100
ĐT: +84 (0)98 549 9748
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Chuyên gia Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 38500225
ĐT: +84 (0)904154678

Vài nét về UNICEF

UNICEF hoạt đông ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, tiếp cận những trẻ em thiệt thòi nhất trên thế giới. Để cứu mạng sống của trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em. Giúp trẻ em phát triển hết tiềm năng của mình. Hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, UNICEF làm việc vì mọi trẻ em, ở mọi nơi, mỗi ngày, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Và chúng tôi không bao giờ lùi bước. Để biết thêm thông tin về COVID-19, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi/covid-19

Để biết thêm thông tin các chương trình và dự án của UNICEF dành cho trẻ em, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi 

Đồng hành cùng UNICEF trên các kênh Facebook, InstagramTwitter, Youtube, LinkedIn và TikTok