Câu chuyện của Lồ Thị Sáy
Khi những giấc mơ vượt qua mọi rào cản

- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Mình sinh ra tại một bản miền núi nhỏ của tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Mình tên là LồThị Sáy - một cái tên đẹp và phổ biến ở nơi mình sống. Ở ngôi làng nhỏ và nghèo mà mình lớn lên, trẻ em gái hầu như không có cơ hội học hành đến nơi đến chốn. Nhưng mình là người may mắn trong số họ.
Cha mẹ mình rất ủng hộ việc mình đến trường. Là một trong số rất ít gia đình cho tất cả các con đi học đến cấp 3, cha mẹ đã phải nghe nhiều lời đàm tiếu không hay từ những gia đình hàng xóm.
Tuy nhiên, mình không có nhiều cơ hội để nghe những lời chỉ trích đó, vì phần lớn thời gian mình ở trường nội trú dành cho trẻ em dân tộc thiểu số. Trường của mình có rất nhiều học sinh, cả nam lẫn nữ thuộc các dân tộc khác nhau. Trường học là ngôi nhà thứ hai của mình. Ở đó, mình học hỏi từ thầy cô và bạn bè, và quan trọng nhất là học được cách để sống độc lập và tự tin. Đây là động lực để mình cố gắng hơn mỗi ngày.
Năm 2017, mình trở thành sinh viên năm nhất của trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội và đã chuyển đến thủ đô Hà Nội. Đây là một trải nghiệm đã thay đổi cuộc đời mình. Nhìn các bạn sinh viên ở đây đều rất nặng động và thông minh, mình cảm thấy choáng ngợp. Thế giới của mình trở nên thật rộng lớn, khác xa hoàn toàn ngôi làng nhỏ quê mình. “Sao bạn lại có cái tên này? Quê bạn ở đâu? Bạn là người dân tộc à?” Đó là những câu hỏi mà các bạn cùng lớp thường xuyên hỏi mình khi mới nhập học. Mới đầu, mình rất sợ phải trả lời những câu hỏi như vậy. Sau đó, mình nhận ra rằng khi mình chia sẻ một cách cởi mở về văn hóa của mình, thì mọi người xung quanh đều đón nhận mình một cách nồng nhiệt.
Đúng như người ta thường nói, một môi trường phù hợp sẽ nuôi dưỡng cho sự tự tin phát triển. Một lần nữa, mình thấy bản thân mình thật may mắn. Dần dà, mình bắt đầu tham gia vào các hoạt động của trường, rồi tình nguyện tham gia các hoạt động cộng đồng.
Năm 2019, mình trở thành trưởng nhóm sinh viên người Mông thực hiện các dự án tình nguyện vì cộng đồng dân tộc thiểu sổ. Cũng trong năm đó, mình tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở làng mình và những ngôi làng xung quanh. Số trẻ em đến lớp tăng đều đặn, rồi vượt qua con số 100.
Phần lớn các em đều đang học cấp 1, và đối với các em, việc học ngoại ngữ là giấc mơ quá xa xỉ. Bên cạnh đó, việc giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình tới thế giới bên ngoài cũng là động lực cho mình khi kêu gọi các bạn trẻ khác cùng tham gia vào các dự án mà ở đó, chúng mình đi đến nhiều nơi để học hỏi và tìm hiểu chuyên sâu về những di sản tại những vùng xa xôi của tổ quốc.
Mong ước được làm nhiều điều hơn nữa đã kết nối mình với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam vào năm 2020. Kể từ đó, mình là người thường xuyên tham gia tham vấn, với tư cách là người đại diện cho tiếng nói của thanh niên dân tộc thiểu số về Luật Thanh niên, những vấn đề mang tính thời sự hiện nay như chuyển đổi xanh thông qua hội thảo “Thúc đẩy nền kinh tế xanh bao trùm thông qua trao quyền và sự tham gia của thanh niên trong khu vực sông Cửu Long mở rộng” do UNICEF và UNESCO tổ chức tại Việt Nam. Trong những sự kiện này, mình đấu tranh cho quyền được lắng nghe, được trao quyền trong các vấn đề liên quan đến thanh niên và những vấn đề mà thanh niên quan tâm.
Mình hiện đang làm trợ giảng tại một trường tiểu học quốc tế, và tự hào vì mình là nhân viên người dân tộc thiểu số duy nhất ở đó. Mình tự hào vì đã khác biệt trong nỗ lực trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày.
Mình mong ước rằng trẻ em dân tộc thiểu số và những người trẻ như mình sẽ được sống trong một thế giới hòa nhập, nơi những ước mơ bước ra khỏi cổng làng và đi tới những nơi xa nhất có thể. Chúng mình muốn có thể hòa nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống và làm chủ tương lai của mình. Và mình tin rằng tất cả những điều trên đều bắt đầu từ sự công bằng trong khả năng tiếp cận xã hội và tiếp cận cơ hội ngay tại những cánh cổng làng rộng mở. - HẾT