Thực đơn cho con: Khi nào thì con nên bắt đầu ăn đồ cứng
Khi nào thì nên cho trẻ tập ăn đồ cứng và tại sao việc chọn thời điểm phù hợp lại quan trọng đến vậy.
- English
- Tiếng Việt
Khi trẻ lớn lên, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ cũng tăng theo. Trong hai năm đầu đời, có đến 75% dưỡng chất từ mỗi bữa ăn phục vụ cho sự phát triển trí não của trẻ.
Dưới đây là thời điểm thích hợp để cho trẻ tập ăn đồ cứng và lý do tại sao lựa chọn thời điểm phù hợp lại quan trọng đến vậy.
Tóm tắt: Cho trẻ ăn đồ cứng
Giai đoạn trước 6 tháng tuổi, chỉ cần sữa mẹ là đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và dinh dưỡng của trẻ.
Khi trẻ 6 tháng tuổi, hãy bắt đầu cho trẻ tập ăn các loại thức ăn mềm vì đây là lúc trẻ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng hơn lượng dưỡng chất sữa mẹ có thể cung cấp.
Khi trẻ 6 tháng tuổi, hãy bắt đầu cho trẻ ăn 2-3 thìa các loại đồ ăn mềm như cháo, trái cây hoặc rau củ xay nhuyễn 2 lần/ngày.
Cho trẻ ăn các đồ cứng khi đã đủ 6 tháng tuổi, kể cả các trẻ được nuôi bằng sữa mẹ và các trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ. Việc cho trẻ làm quen với các đồ ăn cứng quá muộn có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm.
Từ khi chào đời đến 6 tháng tuổi
Kể từ khi chào đời đến 6 tháng tuổi, trẻ có thể nhận hết tất cả chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng và phát triển từ sữa mẹ.Trong giai đoạn này, trẻ không cần thêm bất kỳ đồ ăn gì khác như nước, trà, nước trái cây, cháo hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào.
Quan niệm sai lầm: Trẻ cần ăn dặm trước 6 tháng tuổi
Trong thời gian này, trẻ thường xuyên được bú sữa mẹ, việc cho trẻ ăn dặm trước 6 tháng tuổi là không cần thiết, thậm chí còn có ảnh hưởng không tốt đến trẻ.
Cho trẻ ăn các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ trước 6 tháng tuổi có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy khiến trẻ gầy yếu, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tần suất trẻ bú sữa mẹ ít hơn nên nguồn thức ăn quan trọng nhất này có thể giảm.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất và an toàn nhất trong 6 tháng đầu đời của tất cả trẻ nhỏ trên toàn cầu. Đó là nguồn dinh dưỡng cần thiết, an toàn và liên tục cho trẻ dù mẹ và trẻ sống ở bất cứ đâu trên thế giới.
Dấu hiệu đòi ăn của trẻ
Nếu bạn thấy trẻ để tay gần miệng khi trẻ dưới 6 tháng tuổi, bạn có thể nghĩ rằng trẻ chưa no vì chỉ bú sữa mẹ. Nhưng thực ra, trẻ chỉ đang có những dấu hiệu đòi ăn bình thường, những dấu hiệu này xuất hiện nhiều hơn khi trẻ lớn hơn. Và điều đó cũng không có nghĩa là trẻ cần ăn dặm sớm. Trẻ chỉ sẵn sàng ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi.
Quan niệm sai lầm: Bé trai cần nhiều sữa mẹ hơn
Cả bé trai và bé gái đều cần lượng thức ăn như nhau để tăng trưởng, trở nên khỏe mạnh và thông minh. Chỉ riêng sữa mẹ là đã đủ đáp ứng các nhu cầu dinh dưỡng của cả bé trai và bé gái trong những tháng đầu đời của trẻ.
Từ 6 tháng tuổi trở đi
Khi trẻ đủ 6 tháng tuổi, trẻ tăng trưởng và phát triển nhanh chóng nên trẻ cần nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng hơn lượng dưỡng chất sữa mẹ có thể cung cấp. Trẻ cần bắt đầu ăn dặm thay vì chỉ bú sữa mẹ để đáp ứng những nhu cầu phát triển của trẻ.
Thời điểm cho trẻ ăn dặm
Hãy cho trẻ ăn khi thấy những dấu hiệu đòi ăn ở trẻ. Sau khi rửa tay bằng xà phòng, hãy bắt đầu bằng việc cho trẻ ăn 2-3 thìa thức ăn mềm như cháo, trái cây hoặc rau củ nghiền 2 lần/ngày. Tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ thường xuyên như trước.
Trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ
Nếu bạn không cho con bú sữa mẹ thì thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn dặm cũng là 6 tháng tuổi. Vì đây là độ tuổi mà tất cả trẻ nhỏ, dù được nuôi bằng sữa mẹ hay không, đều cần bắt đầu ăn dặm để đảm bảo trẻ nhận được đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể phát triển.
Người mẹ nhiễm HIV
Nếu như bạn nhiễm HIV, hãy cho trẻ ăn dặm lần đầu khi trẻ 6 tháng tuổi, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ khi dùng thuốc kháng HIV (ARV) và tuân theo phác đồ điều trị của bạn.
Đừng cho trẻ ăn dặm quá muộn
Trẻ cần thêm năng lượng và chất dinh dưỡng để giúp trẻ tiếp tục phát triển. Do đó, việc cho trẻ ăn dặm quá muộn có thể khiến trẻ ngừng tăng cân so với mức bình thường và có nguy cơ bị gầy yếu.