Thời điểm bắt đầu cuộc trò chuyện về sức khỏe tâm thần: từ 11-13 tuổi
Độ tuổi từ 11 đến 13 tuổi, trẻ em có những thay đổi về thể chất, ngoại hình và tâm lý. Sự phát triển của trẻ em có nhiều điều mà bố mẹ cần biết để định hướng trong thời gian đầy thử thách này.

- English
- Tiếng Việt
Sự phát triển của trẻ em trong độ tuổi 11 đến 13 tuổi
Khi bước vào tuổi dậy thì, trẻ có khả năng bày tỏ cảm xúc của mình tốt hơn và khả năng nhận thức rõ đúng sai tốt hơn.
Con có thể tự đưa ra những quyết định về bạn bè, hoạt động thể dục thể thao và học hành. Ngoài tự lập, trẻ còn quan tâm hơn tới tính cách, sở thích và bạn bè của mình.
Trong giai đoạn này, trẻ cũng đang trải qua nhiều thay đổi về thể chất như có kinh nguyệt (với các bạn nữ) hay giọng nói trầm hơn (với các bạn nam). Một số trẻ có thể cảm thấy lo lắng và sợ hãi trước những thay đổi này. Cùng UNICEF tìm hiểu từng giai đoạn này nhé!
Sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn thay đổi
Những thay đổi nhanh chóng về thể chất cùng với những lo lắng về diện mạo. Bên cạnh đó trong giai đoạn này, tầm quan trọng của tình bạn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Đây có thể là một khoảng thời gian khó khăn với con khi phải vượt qua giai đoạn phát triển quan trọng. Lúc này, hãy hiểu rằng con có thể tâm sự với bạn về những lo âu hoặc vấn đề con gặp phải sẽ tạo nên sự khác biệt lớn.
Ở lứa tuổi này, trẻ có thể:
● Thay đổi tâm trạng nhanh chóng - sáng nắng chiều mưa.
● Cảm thấy áp lực vì việc học trên trường.
● Có những vấn đề/lo lắng về ăn uống.
● Cảm thấy buồn chán hoặc lo lắng, khiến con trở nên kém tự tin, đánh giá thấp bản thân và gây ra những vấn đề khác.
Để bắt đầu cuộc trò chuyện
● Dành thời gian và không gian để bắt đầu cuộc trò chuyện mà không gây áp lực hay kỳ vọng gì.
● Cân nhắc những thời điểm như khi làm việc nhà, nấu ăn hoặc cùng nhau đi du lịch.
● Để cuộc trò chuyện diễn ra thật tự nhiên - tâm sự thay vì “tra vấn”.
● Lưu ý tâm trạng của con - nếu con vừa trải qua một ngày tồi tệ hoặc đang bận rộn, hãy chọn một thời điểm khác.
Giao tiếp cởi mở, chân thành và thẳng thắn
Nếu bạn nhận thấy những thay đổi về tâm trạng hay hành vi của trẻ. Hãy nhẹ nhàng nói với con rằng bạn đã chú ý điều đó và hỏi liệu con có muốn tâm sự về điều đó hay không.
Ví dụ:
- Có vẻ con không còn chơi với bạn bè thường xuyên như trước - có phải con đã cãi nhau với bạn không?
- Điểm số trên trường giảm sút - con có gặp khó khăn với môn học cụ thể nào không?
- Con trở nên tâm trạng, buồn bã hoặc im lặng hơn - có phải con đang lo lắng về điều gì không?
Những điều bố mẹ nên và không nên khi trò chuyện với trẻ
Nên
Lắng nghe:
Chủ động lắng nghe những điều con tâm sự mà không để những suy nghĩ và phán xét của bạn chi phối cuộc trò chuyện. Tôn trọng và khích lệ quan điểm của con.
Công nhận:
Trấn an trẻ rằng bạn hiểu những suy nghĩ và cảm xúc của con, khuyến khích con cởi mở hơn với bạn và củng cố niềm tin rằng bạn sẽ đồng hành với con. Gợi nhớ con rằng bạn đã từng trải qua giai đoạn này và những cảm xúc tương tự.
Cùng con đưa ra giải pháp:
Hỏi con liệu con đã nghĩ xem mình cần thay đổi những gì - “con nghĩ mình nên làm gì?” Nếu con chưa nghĩ ra, ngỏ ý lắng nghe và cùng con đưa ra giải pháp. Hỗ trợ con những điều cần thiết giúp con cảm thấy khá hơn.
Không nên
● Không nên bảo, bắt buộc con phải làm những gì. Thay vì vậy, hỏi bạn có thể giúp con như thế nào.
● Phủ nhận hoặc coi nhẹ cảm xúc của con. Hãy nhớ rằng việc giãi bày những cảm xúc còn mơ hồ với bản thân là điều không dễ dàng đối với trẻ.
● Cãi vã. Chú ý suy nghĩ, cảm xúc của bạn và những xung đột. Cố gắng giải quyết những xung đột hoặc cãi vã nhanh nhất có thể nếu điều đó xảy ra, xin lỗi và bắt đầu lại từ đầu.
● Đổ lỗi. Chẳng hạn như nói rằng “Đây là lỗi của nhà trường!”, đổ lỗi cho ngoại cảnh nhưng không thực sự giải quyết vấn đề.
● So sánh. Tránh nói những điều như “Những bạn khác đâu gặp những vấn đề này như con.”
Hãy luôn nhớ kiên trì và bền bỉ là chìa khóa
Ở lứa tuổi này, trẻ có thể sẽ ít thể hiện cảm xúc với bạn hơn và đôi khi trở nên hỗn xược hoặc nóng nảy. Do đó, khi trẻ ngày một độc lập và muốn tự chủ hơn, có nhiều khả năng đôi khi trẻ sẽ chống cự bạn. Những cuộc nói chuyện này còn mới mẻ và có thể có những lúc không thoải mái với con.
Con có thể cần chút thời gian, nhưng hãy cố gắng luôn thể hiện rõ cho con thấy rằng bạn yêu thương con và bạn chỉ đang quan tâm tới hạnh phúc của con.