UNICEF và WHO cảnh báo về nguy cơ gây bùng phát bệnh sởi ở trẻ em
Báo cáo toàn cầu trong hai tháng đầu năm 2022, số ca nhiễm sởi đã tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021, cảnh báo về sự bùng phát của các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc - xin

- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
NEW YORK/GENEVA, ngày 27 tháng 4 năm 2022 - WHO và UNICEF cảnh báo rằng sự gia tăng số ca mắc bệnh sởi trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022 là một dấu hiệu đáng lo ngại về nguy cơ lây lan các bệnh có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin cho trẻ. Hơn thế nữa, sự lây lan này có khả năng gây ra những làn sóng bùng phát dữ dội hơn, đặc biệt là bệnh sởi ảnh hưởng đến hàng triệu trẻ em vào năm 2022.
Do sự gián đoạn liên quan đến đại dịch, khả năng tiếp cận với vắc-xin ngày càng bất bình đẳng và sự phân tán nguồn lực từ các dịch vụ tiêm chủng định kỳ đang khiến nhiều trẻ em không được bảo vệ khỏi bệnh sởi và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác.
Nguy cơ bùng phát dịch lớn dễ xảy ra hơn khi nhiều cộng đồng nới lỏng thực hành giãn cách xã hội và các biện pháp phòng ngừa COVID-19 khác mà họ đã thực hiện trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch. Ngoài ra, đối với hàng triệu người phải lánh nạn do xung đột và khủng hoảng như ở Ukraine, Ethiopia, Somalia và Afghanistan, thì sự gián đoạn của dịch vụ tiêm chủng định kỳ và tiêm chủng ngừa COVID-19, việc thiếu nước sạch và vệ sinh môi trường không đảm bảo, cùng với tình trạng quá tải dân số có thể làm tăng nguy cơ bùng phát các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Trong tháng 1 và tháng 2 năm 2022, thế giới đã ghi nhận gần 17.338 ca nhiễm sởi so với 9.665 ca trong hai tháng đầu năm 2021. Vì bệnh sởi rất dễ lây lan nên các ca nhiễm thường xuất hiện nhanh chóng khi mức độ tiêm chủng giảm. Các cơ quan lo ngại rằng sự bùng phát của bệnh sởi sẽ là dấu hiệu dự báo cho sự bùng phát của các bệnh dịch khác với tốc độ lây lan chậm hơn.
Ngoài tác động trực tiếp đối với cơ thể, nguy cơ gây tử vong, vi rút sởi còn làm suy yếu hệ thống miễn dịch và khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm khác như viêm phổi và tiêu chảy, kể cả ở những trẻ đã khỏi bệnh sởi được nhiều tháng. Hầu hết các ca nhiễm sởi trong bối cảnh mọi người phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế và xã hội do COVID-19, xung đột hoặc các cuộc khủng hoảng khác cùng với cơ sở hạ tầng hệ thống y tế yếu kém và mất an ninh.
Bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF cho biết, “Sởi không chỉ là một căn bệnh nguy hiểm và có khả năng gây chết người, mà đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy những lỗ hổng trong việc bao phủ tiêm chủng toàn cầu của chúng ta, những khoảng trống mà trẻ em dễ bị tổn thương khó có thể vượt qua. Điều đáng khích lệ là người dân ở nhiều cộng đồng đã bắt đầu cảm thấy được bảo vệ đầy đủ khỏi COVID-19, nên họ đã quay trở lại với nhiều hoạt động có tính tương tác xã hội cao hơn. Song, ở những nơi mà trẻ em không được tiêm chủng định kỳ sẽ gây nên một cơn bão khủng khiếp làm lây lan bệnh dịch, chẳng hạn như bệnh sởi”.
Vào năm 2020, 23 triệu trẻ em đã bỏ lỡ tiêm vắc xin cơ bản cho trẻ nhỏ thông qua các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2009 và tăng 3,7 triệu trẻ so với năm 2019.
5 quốc gia ghi nhấn nhiều ca nhiễm sởi nhất trong 12 tháng qua, tính đến tháng 4 năm 2022 [1] |
||||
Quốc gia |
Số ca nhiễm Sởi đã ghi nhận |
Tỷ lệ trên một triệu ca |
Tỷ lệ tiêm chủng ngừa sởi mũi 1 (%), năm 2019[2] |
Tỷ lệ tiêm chủng ngừa sởi mũi 1 (%), năm 2020[3] |
Somalia |
9.068 |
554 |
46 |
46 |
Yemen |
3.629 |
119 |
67 |
68 |
Afghanistan |
3.628 |
91 |
64 |
66 |
Nigeria |
12.341 |
58 |
54 |
54 |
Ethiopia |
3.039 |
26 |
60 |
58 |
Tính đến tháng 4 năm 2022, các tổ chức này ghi nhận 21 đợt bùng phát bệnh sởi trên diện rộng và gây gián đoạn trên khắp thế giới trong vòng 12 tháng. Hầu hết các ca nhiễm sởi được ghi nhận ở châu Phi và khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Số liệu có thể còn cao hơn vì đại dịch đã làm gián đoạn hệ thống giám sát toàn cầu, nên có khả năng nhiều ca bệnh không được báo cáo.
Các quốc gia bùng phát dịch sởi lớn nhất trong vòng một năm qua bao gồm Somalia, Yemen, Nigeria, Afghanistan và Ethiopia. Dù ở bất cứ đâu, việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ không đầy đủ luôn là lý do chính gây bùng phát dịch bệnh.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, “Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ tiêm chủng, hệ thống y tế bị quá tải và chúng ta đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của các căn bệnh chết người, trong đó có bệnh sởi. Dịch vụ tiêm chủng ngừa nhiều căn bệnh khác sẽ còn chịu ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn này trong nhiều thập kỷ tới. Bây giờ là chính là thời điểm để đưa các chương trình tiêm chủng thiết yếu trở lại đúng quỹ đạo và khởi động chiến dịch tiêm chủng lặp lại để mọi người đều có thể tiếp cận với những loại vắc xin cứu trợ này”.
Tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2022, 57 chiến dịch vắc-xin phòng bệnh ở 43 quốc gia dự định triển khai kể từ đầu đại dịch vẫn đang bị hoãn, gây ảnh hưởng đến 203 triệu người, hầu hết là trẻ em. 19 chiến dịch trong số đó là chiến dịch ngừa bệnh sởi, và sự trì hoãn này đã khiến 73 triệu trẻ em có nguy cơ nhiễm sởi do không được tiêm vắc-xin. Tại Ukraine, chiến dịch tiêm chủng lặp lại phòng bệnh sởi năm 2019 đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 và sau đó là do chiến tranh. Các chiến dịch tiêm chủng định kỳ là cần thiết ở bất cứ nơi nào mà người dân có thể tiếp cận, từ đó đảm bảo không xảy ra các đợt tái bùng phát như giai đoạn 2017-2019. Ở thời điểm đó, cả nước có hơn 115.000 trường hợp mắc bệnh sởi và 41 trường hợp tử vong - đây là tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở châu Âu.
Để có thể bảo vệ trẻ em chống lại bệnh sởi thì tỷ lệ tiêm chủng cần ở mức 95% trở lên với hai liều vắc-xin phòng sởi an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, sự gián đoạn mà đại dịch COVID-19 gây ra đã làm chậm tiến độ tiêm liều thứ hai của vắc-xin sởi ở nhiều quốc gia.
Trong khi các quốc gia nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát bệnh sởi và những bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin khác, đồng thời cố gắng khôi phục vị thế trước đây, UNICEF và WHO, cùng với các đối tác như Liên minh vắc-xin Gavi, đối tác Sáng kiến Sởi và Rubella, Quỹ Bill & Melinda Gates và những đối tác khác cũng đang nỗ lực trợ giúp cho việc tăng cường hệ thống tiêm chủng bằng cách:
- Khôi phục các dịch vụ và chiến dịch tiêm chủng để các quốc gia có thể cung cấp chương trình tiêm chủng định kỳ một cách an toàn, hướng tới lấp đầy những khoảng trống mà tình trạng trì hoãn để lại;
- Hỗ trợ nhân viên y tế và lãnh đạo địa phương tích cực truyền thông tới người chăm sóc trẻ và giải thích tầm quan trọng của việc tiêm chủng;
- Khắc phục những lỗ hổng trong việc bao phủ tiêm chủng, bao gồm xác định các cộng đồng và nhóm đối tượng bị bỏ sót trong đại dịch;
- Đảm bảo rằng việc cung cấp vắc-xin COVID-19 được tài trợ độc lập và được lồng ghép tốt vào quy hoạch tổng thể của các dịch vụ tiêm chủng để từ đó có thể triển khai mà không phải đánh đổi bằng tuổi thơ của trẻ và những dịch vụ tiêm chủng khác;
- Thực hiện các kế hoạch quốc gia để ngăn chặn và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin và củng cố hệ thống tiêm chủng như một phần của nỗ lực phục hồi sau COVID-19.
######
Tải ảnh và b-roll từ UNICEF tại đây. Tải ảnh từ WHO
Để biết thêm thông tin về Chiến dịch Tuần lễ Tiêm chủng thế giới của WHO từ 24-30/4 và tất cả các nguồn tài liệu.
[1] Nguồn: Dữ liệu tạm thời dựa trên báo cáo dữ liệu tháng gửi WHO tính đến tháng 4 năm 2022
[2] Nguồn: Ước tính tỷ lệ tiêm chủng quốc gia của WHO-UNICEF, sửa đổi năm 2020.
[3] Nguồn: Ước tính tỷ lệ tiêm chủng quốc gia của WHO-UNICEF, sửa đổi năm 2020.
Liên hệ báo chí
Additional resources
Vài nét về UNICEF
UNICEF hoạt động ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, tiếp cận những trẻ em thiệt thòi nhất trên thế giới. Để cứu mạng sống của trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em. Giúp trẻ em phát triển hết tiềm năng của mình. Hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, UNICEF làm việc vì mọi trẻ em, ở mọi nơi, mỗi ngày, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Và chúng tôi không bao giờ lùi bước. Để biết thêm thông tin về COVID-19, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi/covid-19
Để biết thêm thông tin các chương trình và dự án của UNICEF dành cho trẻ em, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi
Đồng hành cùng UNICEF trên Facebook, Instagram, Twitter và TikTok
Về WHO
Tổ chức Y tế thế giới là tổ chức Liên Hợp Quốc hàng đầu trong lĩnh vực y tế công cộng. Được thành lập vào năm 1948, WHO hiện diện tại 194 quốc gia thành viên trong 6 khu vực nhằm nâng cao sức khỏe, đảm bảo an toàn cho thế giới và trợ giúp những người dễ bị tổn thương. Mục tiêu của chúng tôi trong giai đoạn 2019-2023 là đảm bảo cho hơn một tỉ người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, bảo vệ hơn một tỉ người trong trường hợp khẩn cấp về y tế và bảo đảm cho hơn một tỉ người có được sức khỏe và phúc lợi tốt hơn.
Truy cập www.who.int và theo dõi WHO trên Twitter, Facebook, Instagram, LinkedIn, TikTok, Pinterest, YouTube, Twitch