Năm 2021, cứ 4,4 giây trôi qua lại có một trẻ em hoặc thanh thiếu niên tử vong - Báo cáo của Liên Hợp Quốc

Trong cùng kỳ, có 1,9 triệu trẻ khác bị chết lưu, theo một báo cáo khác của Liên Hợp Quốc.

13 Tháng 1 2023
Năm 2021, cứ 4,4 giây trôi qua lại có một trẻ em hoặc thanh thiếu niên tử vong - Báo cáo của Liên Hợp Quốc
UNICEF Việt Nam\Hồ Hoàng Thiên Trang
Năm 2021, cứ 4,4 giây trôi qua lại có một trẻ em hoặc thanh thiếu niên tử vong - Báo cáo của Liên Hợp Quốc

NEW YORK/GENEVA/WASHINGTON D.C./HÀ NỘI, 10 Tháng Một 2023 - Trong năm 2021, ước tính có khoảng 5 triệu trẻ em tử vong trước khi bước sang tuổi thứ 5 và 2,1 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-24 tuổi khác bị thiệt mạng, theo ước tính mới nhất được công bố bởi Nhóm liên ngành của Liên hợp quốc về Đánh giá tình hình tử vong ở trẻ em (UN IGME).

Theo một báo cáo khác cũng được công bố hôm nay, có 1,9 triệu thai bị chết lưu trong cùng giai đoạn.  Thật không may, nhiều trường hợp tử vong đã có thể phòng ngừa được nếu chúng ta có tiếp cận công bằng và có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và trẻ em chất lượng cao.

Theo những báo cáo này, tại Việt Nam, tỉ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 30/1.000 ca sinh sống năm 2000 xuống 21 trẻ vào năm 2021 và trong cùng thời kỳ, tỉ lệ thai chết lưu giảm thừ 11.1/1.000 ca sinh xuống 8.0. Ước tính có khoảng 30.000 trẻ tử vong trước khi tròn 5 tuổi và 11.822 thai chết lưu tại Việt Nam năm 2021.

“Mỗi ngày, có quá nhiều bậc cha mẹ phải đối mặt với nỗi đau mất con, đôi khi ngay cả trước khi trẻ có hơi thở đầu tiên,” bà Vidhya Ganesh, Giám đốc Ban  Phân tích Dữ liệu, Lập kế hoạch và Giám sát của UNICEF, cho biết. “Mặc dù có thể phòng ngừa được nhưng bi kịch này vẫn lan rộng, không nên coi đây là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta có thể đạt được những tiến bộ nếu có quyết tâm chính trị mạnh mẽ hơn và đầu tư có mục tiêu vào tiếp cận công bằng với dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho mọi phụ nữ và trẻ em.”

Các báo cáo này cũng cho thấy một số kết quả tích cực về giảm nguy cơ tử vong ở mọi lứa tuổi trên toàn cầu kể từ năm 2000. Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trên toàn cầu đã giảm 50% kể từ đầu thế kỷ này, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ lớn hơn và ở thanh thiếu niên giảm 36% và tỷ lệ thai chết lưu giảm 35%. Điều này có thể là do đầu tư nhiều hơn vào việc tăng cường hệ thống y tế cơ bản để mang lại lợi ích cho phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên.

Tuy nhiên, mức tăng này đã giảm đáng kể kể từ năm 2010 và 54 quốc gia sẽ không đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững đối với tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Các cơ quan đã cảnh báo nếu không hành động nhanh chóng để cải thiện các dịch vụ y tế, gần 59 triệu trẻ em và thanh thiếu niên sẽ tử vong trước năm 2030 và gần 16 triệu trẻ sẽ bị chết lưu.

Tiến sĩ Anshu Banerjee, Giám đốc phụ trách Chăm sóc Sức khỏe Bà mẹ, Trẻ sơ sinh và Người chưa thành niên tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: “Thật là bất công khi cơ hội sống sót của trẻ được định đoạt chỉ bởi nơi các em sinh ra và vẫn tồn tại sự bất bình đẳng lớn như vậy trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế có thể cứu mạng các em. Trẻ em ở khắp mọi nơi cần hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, đáp ứng nhu cầu của các em và của gia đình, để cho dù được sinh ra ở đâu, các em đều có sự khởi đầu tốt nhất và hy vọng cho tương lai.”

Các báo cáo cho thấy trẻ em có cơ hội sống sót rất khác nhau phụ thuộc vào nơi các em được sinh ra, đặc biệt Châu Phi Hạ Sahara và Nam Á đang chịu ảnh hưởng lớn nhất. Mặc dù khu vực Châu Phi Hạ Sahara chỉ chiếm 29% ca sinh sống trên toàn cầu, khu vực này chiếm 56% tổng số ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi vào năm 2021 và Nam Á chiếm 26% trong số này. Khu vực châu Phi Hạ Sahara có nguy cơ tử vong ở trẻ em cao nhất thế giới – cao gấp 15 lần so với trẻ em ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Các bà mẹ ở hai khu vực này cũng phải chịu đựng nỗi đau mất con do thai chết lưu với tỷ lệ đáng quan ngại, với 77% tổng số ca thai chết lưu vào năm 2021 xảy ra ở vùng Châu Phi Hạ Sahara và Nam Á. Gần một nửa trong tổng số các ca thai chết lưu xảy ra ở khu vực Châu Phi Hạ Sahara. Nguy cơ một phụ nữ có thai chết lưu ở vùng Châu Phi Hạ Sahara cao gấp 7 lần so với ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Ông Juan Pablo Uribe, Giám đốc Toàn cầu về Sức khỏe, Dinh dưỡng và Dân số của Ngân hàng Thế giới, kiêm Giám đốc Quỹ Tài chính Toàn cầu cho biết: “Đằng sau những con số này là hàng triệu trẻ em và gia đình không được tiếp cận các quyền cơ bản về sức khỏe. Chúng ta cần có ý chí chính trị và sự lãnh đạo để có nguồn tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe ban đầu, đây là một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà các quốc gia và đối tác phát triển có thể thực hiện.”

Khả năng tiếp cận và có các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt vẫn là vấn đề sống còn đối với trẻ em trên toàn cầu. Hầu hết các ca tử vong ở trẻ em xảy ra trong vòng năm năm đầu đời, trong đó có một nửa xảy ra ngay trong tháng đầu tiên. Đối với những trẻ nhỏ nhất này, sinh non và các biến chứng trong quá trình chuyển dạ là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tương tự, hơn 40% trường hợp thai chết lưu xảy ra trong quá trình chuyển dạ – hầu hết trong số đó có thể phòng ngừa được khi phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc có chất lượng trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Đối với những trẻ sống sót sau 28 ngày đầu tiên, các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, tiêu chảy và sốt rét là mối đe dọa lớn nhất.

Mặc dù COVID-19 không trực tiếp làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ em – do nguy cơ tử vong của trẻ em vì bệnh này thấp hơn so với người lớn – đại dịch có thể làm tăng rủi ro trong tương lai đối với sự sống còn của các em. Đặc biệt, các báo cáo này nhấn mạnh những lo ngại xung quanh việc gián đoạn các chiến dịch tiêm chủng, dịch vụ dinh dưỡng và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, những điều có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và phúc lợi của các em trong nhiều năm tới. Ngoài ra, đại dịch dẫn đến sự sụt giảm liên tục lớn nhất trong tiêm chủng trong ba thập kỷ qua, khiến trẻ sơ sinh và trẻ em dễ bị tổn thương nhất có nguy cơ tử vong cao hơn do các bệnh có thể phòng ngừa được.

Các báo cáo cũng lưu ý đến những thiếu hụt trong số liệu, điều này có thể làm giảm  nghiêm trọng các tác động của các chính sách và chương trình được xây dựng nhằm cải thiện sự sống còn và phúc lợi của trẻ em.

Ông John Wilmoth, Giám đốc Bộ phận Dân số - Uỷ ban các Vấn đề Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc (UN DESA), cho biết: “Các ước tính mới đã làm nổi bật sự tiến bộ trên phạm vi toàn cầu kể từ năm 2000 trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi.” “Mặc dù đạt được thành công này, chúng ta vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết những khác biệt đáng kể vẫn tồn tại trong tỷ lệ sống sót của trẻ em giữa các quốc gia và khu vực khác nhau, đặc biệt là ở khu vực Châu Phi Hạ Sahara. Chỉ bằng cách cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, đặc biệt là trong khoảng thời gian sinh nở, chúng ta mới có thể giảm bất bình đẳng và chấm dứt những ca tử vong có thể ngăn ngừa được ở trẻ sơ sinh và trẻ em trên toàn thế giới.”


Lưu ý cho biên tập:

Hai bản báo cáo – Levels & Trends in Child Mortality (Mức độ và Xu hướng trong Tử vong ở Trẻ em)Never Forgotten (Không bao giờ lãng quên) – là hai báo cáo đầu tiên trong chuỗi các bộ dữ liệu quan trọng được công bố năm 2023, với số liệu về tử vong mẹ sẽ được Liên Hợp Quốc công bố vào cuối năm nay.

Tải nội dung đa phương tiện (bản tiếng Anh) tại đây.

Truy cập báo cáo về tử vong ở trẻ em (bản tiếng Anh) tại đây và báo cáo về thai chết lưu tại đây.

Giới thiệu về UN IGME

Nhóm liên ngành của Liên hợp quốc về Đánh giá Tỷ lệ Tử vong ở Trẻ em (UN IGME) được thành lập vào năm 2004 để chia sẻ dữ liệu về tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện các phương pháp ước tính tỷ lệ tử vong ở trẻ em, báo cáo về tiến độ đạt được các mục tiêu về sự sống còn của trẻ em và nâng cao năng lực của quốc gia trong việc đưa ra các ước tính về tỷ lệ tử vong ở trẻ em được đánh giá đúng và kịp thời. UN IGME trực thuộc UNICEF và bao gồm Tổ chức Y tế Thế giới, Ngân hàng Thế giới và Uỷ ban các Vấn đề Kinh tế Xã hội của Liên Hợp Quốc (DESA), bộ phận Dân số.

Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập: http://www.childmortality.org/

 

Liên hệ báo chí

Bà Raquel Fernandez
Trưởng Chương trình Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 3850 0100
ĐT: +84 (0)98 549 9748
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Chuyên gia Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 38500225
ĐT: +84 (0)904154678

Vài nét về UNICEF

UNICEF hoạt đông ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, tiếp cận những trẻ em thiệt thòi nhất trên thế giới. Để cứu mạng sống của trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em. Giúp trẻ em phát triển hết tiềm năng của mình. Hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, UNICEF làm việc vì mọi trẻ em, ở mọi nơi, mỗi ngày, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Và chúng tôi không bao giờ lùi bước. Để biết thêm thông tin về COVID-19, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi/covid-19

Để biết thêm thông tin các chương trình và dự án của UNICEF dành cho trẻ em, hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi 

Đồng hành cùng UNICEF trên các kênh Facebook, InstagramTwitter, Youtube, LinkedIn và TikTok