Đối thoại chính sách nâng cao nhận thức pháp luật đảm bảo an toàn cho trẻ

Hà Nội, 19 tháng 10 năm 2020, phiên Đối thoại chính sách và giải pháp về các biện pháp đột phá tăng cường, phòng chống xâm hại nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em ở Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức đã được tổ chức tại Hà Nội

19 Tháng 10 2020
Bà Lesley Miller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị
UNICEF Việt Nam

Hà Nội, 19 tháng 10 năm 2020, phiên Đối thoại chính sách và giải pháp về các biện pháp đột phá tăng cường, phòng chống xâm hại nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em ở Việt Nam do Bộ Tư pháp tổ chức đã được tổ chức tại Hà Nội.

Phiên đối thoại là diễn đàn để các đại biểu thảo luận về các giải pháp chiến lược nhằm tăng cường nhận thức về pháp luật và về quyền. Đây là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng để trẻ em và cha mẹ có thể chủ động, tích cực thực hiện quyền của mình.

Phát biểu tại phiên Đối thoại chính sách, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh rằng việc nhận thức, hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em chưa đầy đủ là một trong những nguyên nhân đến việc thực thi chính sách pháp luật về trẻ em chưa hiệu quả. Thứ trưởng cũng nêu bật tầm quan trọng của công tác nâng cao nhận thức pháp luật nhằm đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em.

Xâm hại trẻ em là vấn đề quan ngại tại Việt Nam. Theo số liệu của Chính phủ, từ 2015 đến tháng 6 năm 2019 có 8.709 em bị xâm hại, trong đó khoảng 71% bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, các vụ việc được báo cáo và đưa ra xét xử chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rất nhiều vụ việc không được tố giác do kỳ thị, thái độ dung túng của xã hội, xấu hổ, sợ hãi, và thiếu niềm tin.

Các đại biểu tham dự phiên Đối thoại chính sách đã thảo luận những khó khăn và chia sẻ các điểm tốt trong việc tăng cường và phổ biến giáo dục, pháp luật để nâng cao hiệu quả phòng chống xâm hại trẻ em. Đặc biệt giải quyết nhu cầu của các nhóm yếu thế như trẻ em dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật, không đến trường, trẻ em không có sự chăm sóc của cha mẹ, các em gái.

Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam phát biểu: “Một nguyên tắc quan trọng là “không bỏ ai lại phía sau.” Điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải bảo đảm cung cấp thông tin cho những nhóm yếu thế, thiểu số, bao gồm trẻ em di cư, nhập cư, trẻ em khuyết tật, các em thuộc dân tộc ít người, trẻ em lang thang. Để làm được điều này, chúng ta cần thay đổi thái độ và thực hành trong cộng đồng, cách chúng ta nói với trẻ em, thúc đẩy sự tôn trọng các em và coi các em là những công dân trong xã hội”.

Song đó, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh: “Nâng cao nhận thức pháp luật phải đi đôi với việc thay đổi các chuẩn mực văn hóa lạc hậu tiếp tay cho bạo lực. Các chuẩn mực văn hóa, xã hội định hình niềm tin và hành vi xử sự của cha mẹ và giáo viên về kỷ luật bạo lực đối với trẻ em. Các chuẩn mực văn hóa, xã hội cũng tác động đến cách trẻ em nhìn nhận kỷ luật bạo lực, suy nghĩ xem liệu kỷ luật bạo lực có thể được chấp nhận hay không. Các chuẩn mực văn hóa, xã hội cũng ảnh hưởng đến cách phản ứng của cảnh sát và thái độ của cơ quan tư pháp về việc có nên coi bạo lực đối với trẻ em là chuyện nội bộ của gia đình hay không. Nâng cao nhận thức pháp luật đòi hỏi phải có sự đối thoại trong phạm vi toàn xã hội để có thể góp phần hình thành nên văn hóa phi bạo lực trong gia đình, trường học và cộng đồng, và thúc đẩy cha mẹ và giáo viên áp dụng các hình thức kỷ luật phi bạo lực.”

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc tăng cường hệ thống luật pháp để phòng, chống xâm hại trẻ em. Quyền được bảo vệ của trẻ em đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong đó, Luật Trẻ em có một chương riêng về bảo vệ trẻ em, với quy định rõ ràng hơn về các biện pháp phòng ngừa, can thiệp sớm và ứng phó với xâm hại trẻ em.

Và gần đây nhất là Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số tội xâm hại tình dục và xét xử các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết này đã giải thích chi tiết nhiều hành vi xâm hại tình dục và các tình tiết tăng nặng, cũng như quy định nhiều biện pháp để làm cho thủ tục xét xử được nhạy cảm hơn, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu đặc thù của người chưa thành niên, phù hợp với Công ước Quyền trẻ em và các điển hình tốt trên thế giới.

 “Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện hệ thống pháp luật, vẫn còn những lỗ hổng pháp lý quan trọng cần được giải quyết để đảm bảo tuân thủ đầy đủ Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC). Tôi xin đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục vai trò tiên phong trong tiến trình hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là sửa đổi độ tuổi trẻ em trong Luật Trẻ em hiện hành thành 18 tuổi để đảm bảo các em trai và em gái ở độ tuổi 16 - 17 được bảo vệ và hỗ trợ đầy đủ. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị tiếp tục rà soát và sửa đổi Bộ luật Hình sự để đảm bảo mọi hình thức xâm hại đối với trẻ em dưới 18 tuổi đều bị hình sự hóa,” bà Lesley Miller chia sẻ.

Phiên Đối thoại chính sách này được tổ chức trong khuôn khổ của Chương trình Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu tài trợ. Với sự tham gia của gần 150 đại biểu từ các bộ, ngành trung ương và địa phương, Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án gia đình và người chưa thành niên cùng các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ và các cơ quan phát triển quốc tế.

Liên hệ báo chí

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương
Chuyên gia Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 38500225
ĐT: +84 (0)904154678
Bà Raquel Fernandez
Trưởng Chương trình Truyền thông
UNICEF Việt Nam
ĐT: +84 (024) 3850 0100
ĐT: +84 (0)98 549 9748

Về UNICEF

UNICEF hoạt động ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, tiếp cận những trẻ em thiệt thòi nhất trên thế giới. Để cứu mạng sống của trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em. Giúp trẻ em phát triển hết tiềm năng của mình. Hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, UNICEF làm việc vì mọi trẻ em, ở mọi nơi, mỗi ngày, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Và chúng tôi không bao giờ lùi bước. Để biết thêm thông tin về COVID-19, visit https://www.unicef.org/vietnam/vi/covid-19

Đồng hành cùng chúng tôi trên FacebookInstagramTwitter và TikTok