Một phần ba trẻ em trên thế giới bị ngộ độc chì
Có đến ⅓ trẻ em bị ngộ độc, UNICEF và tổ chức Pure Earth kêu gọi bảo trợ trẻ em khẩn cấp để xóa bỏ hành vi nguy hiểm - tái chế không chính thức pin axit chì.
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
NEW YORK, ngày 30 tháng 7 năm 2020 - Nhiễm độc chì âm thầm đang ảnh hưởng đến trẻ em ở quy mô lớn mà chúng chưa từng được biết đến - theo một báo cáo mới được UNICEF và Pure Earth công bố hôm nay.
Đây là báo cáo đầu tiên về tình trạng nhiễm độc chì ở trẻ em. Báo cáo cho biết có gần 1/3 trẻ em, tức là khoảng 800 triệu trẻ em trên toàn thế giới có mức chì bằng hoặc nhiều hơn 5 microgam /deciliter (µg/dL) trong máu. Được biết, đây là mức độ đáng báo động cần phải có các hành động can thiệp. Trong khi đó, gần một nửa số trẻ em bị nhiễm độc đang sống ở Nam Á.
“Với một vài triệu chứng ban đầu, chì âm thầm tàn phá sức khỏe và sự phát triển của trẻ em, hậu quả có thể dẫn tới tử vong” bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết. “Hiểu được mức độ ô nhiễm chì lan rộng như thế nào, cũng như tác hại của chì đối cuộc sống của mỗi cá nhân và cộng đồng sẽ giúp thúc đẩy các hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em”
Với tiều đề “Sự thật độc hại: Trẻ em tiếp xúc với ô nhiễm chì làm suy yếu một thế hệ tiềm năng” là một phân tích về phơi nhiễm chì ở trẻ em được thực hiện bởi Viện Đánh giá Số liệu Y tế (IHME) và được xác minh bằng một nghiên cứu đã được phê duyệt để công bố trên tạp chí Viễn cảnh Sức khỏe Môi trường.
Báo cáo chỉ ra rằng chì là một chất độc thần kinh mạnh gây ra tác hại không thể khắc phục đối với não của trẻ em. Chì đặc biệt tàn phá đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới năm tuổi vì chì gây tổn hại cho bộ não của trẻ trước khi trẻ có cơ hội phát triển đầy đủ, khiến trẻ bị suy giảm hệ thần thần kinh, nhận thức và thể chất suốt đời.
Theo báo cáo, phơi nhiễm chì ở trẻ em cũng liên quan đến sức khỏe tâm thần, các vấn đề hành vi, gia tăng tội phạm và bạo lực. Trẻ lớn hơn thì gánh chịu các hậu quả nghiêm trọng như tăng nguy cơ tổn thương thận và các bệnh tim mạch trong cuộc sống tương lai.
Phơi nhiễm chì ở trẻ em ước tính sẽ làm thiệt hại gần 1 nghìn tỷ USD của các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình do những tiềm năng kinh tế bị mất trong suốt cuộc đời những trẻ em bị nhiễm chì.
Báo cáo còn lưu ý rằng, ở các nước thu nhập thấp và trung bình, việc tái chế pin axit chì không chính thức và không đạt tiêu chuẩn chính là tác nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ em. Đặc biệt là ở các nước này, số lượng phương tiện đi lại đã tăng gấp ba kể từ năm 2000. Số lượng phương tiện đi lại tăng lên, cùng với việc thiếu quy định và cơ sở hạ tầng tái chế ắc quy xe, đã dẫn đến 50% ắc quy axit chì được tái chế không an toàn trong nền kinh tế phi chính thức.
Khi tiến hành các hoạt động tái chế nguy hiểm và thường là bất hợp pháp, các công nhân tháo gỡ các vỏ pin/ắc-quy, đổ axit, bụi chì ra đất, và đốt cháy nó trong các lò nung ngoài trời. Lúc này, khói độc hại sẽ thải ra cho cộng đồng xung quanh. Thông thường, các công nhân và cộng đồng bị phơi nhiễm không biết được rằng chì là chất độc thần kinh mạnh.
Ngoài những trường hợp trên, các nguồn tiếp xúc với chì khác ở trẻ em còn bao gồm chì trong nước như từ việc sử dụng ống dẫn nước có chì; chì từ ngành công nghiệp đang hoạt động như khai thác và tái chế pin; sơn và bột màu có chì; xăng pha chì mặc dù đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây nhưng trước đó là một nguồn lây nhiễm chính; hàn chì trong thực phẩm đóng hộp; và chì có trong gia vị, mỹ phẩm, thuốc bổ, đồ chơi và các sản phẩm tiêu dùng khác. Hoặc cha mẹ làm việc liên quan chì thường mang bụi bẩn về nhà trên quần áo, tóc, tay và giày, điều này cũng vô tình khiến con cái họ bị nhiễm độc tố.
“Tin tốt là chì có thể được tái chế một cách an toàn mà không gây nguy hại cho công nhân, con cái họ và các khu vực lân cận. Các vị khu vực bị nhiễm chì có thể được khắc phục và phục hồi”, ông Richard Fuller, Chủ tịch của Pure Earth cho biết. “Có thể nâng cao nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của chì và giúp họ có khả năng bảo vệ chính bản thân và con em mình. Đây là sự đầu tư mang lại lợi ích lớn: sức khỏe được cải thiện, năng suất tăng, IQ cao hơn, ít bạo lực hơn và tương lai tươi sáng hơn cho hàng triệu trẻ em trên khắp hành tinh”.
Mặc dù ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao kể từ khi chấm dứt sử dụng xăng pha chì và các loại sơn thì tỷ lệ trẻ có nồng độ chì trong máu đã giảm đáng kể, nhưng mức độ chì trong máu của trẻ em ở các nước thu nhập thấp và trung bình vẫn đang tiếp tục tăng. Không những thế còn có nhiều trường hợp, tăng cao tới mức nguy hiểm trong khi đã hơn một thập kỷ sau khi có lệnh chấm dứt sử dụng xăng pha chì trên phạm vi toàn cầu.
Báo cáo trình bày nghiên cứu điển hình ở năm quốc gia có ô nhiễm chì và ô nhiễm chất thải kim loại nặng độc hại khác gây ảnh hưởng đến trẻ em, bao gồm Kathgora thuộc Bangladesh; Tbilisi thuộc Georgia; Agbogbloshie thuộc Ghana; Pesarean thuộc Indonesia; và bang Morelo thuộc Mexico.
Báo cáo chỉ ra rằng chính phủ ở các quốc gia bị ảnh hưởng có thể giải quyết ô nhiễm và phơi nhiễm chì ở trẻ em bằng cách sử dụng các phương pháp phối hợp trong các lĩnh vực sau:
- Hệ thống giám sát và báo cáo: bao gồm xây dựng năng lực về xét nghiệm nồng độ chì trong máu.
- Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát: bao gồm ngăn không cho trẻ em tiếp xúc với các khu vực và sản phẩm có nguy cơ cao chứa chì, chẳng hạn như một số loại gốm sứ, sơn, đồ chơi và gia vị.
- Quản lý, điều trị và khắc phục: bao gồm tăng cường hệ thống y tế để nhanh chóng phát hiện, theo dõi và điều trị phơi nhiễm chì ở trẻ em. Đồng thời, tiến hành giáo dục nâng cao và liệu pháp hành vi nhận thức cho trẻ em để trẻ có thể giải quyết tốt hơn trước các tác động tiêu cực của việc tiếp xúc với chì.
- Nhận thức cộng đồng và thay đổi hành vi: bao gồm liên tục tiến hành các chiến dịch truyền thông về sự nguy hiểm và nguồn phơi nhiễm chì cho phụ huynh, nhà trường, lãnh đạo cộng đồng và nhân viên y tế.
- Pháp luật và chính sách: bao gồm xây dựng, triển khai và thực thi các tiêu chuẩn về môi trường, sức khỏe và an toàn để sản xuất và tái chế pin axit chì và chất thải điện tử. Đồng thời thực thi các quy định về môi trường và chất lượng không khí đối với các hoạt động luyện kim.
- Hành động toàn cầu và khu vực: bao gồm thành lập các đơn vị đo lường tiêu chuẩn toàn cầu để xác minh hậu quả của ô nhiễm đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và kinh tế địa phương. Xây dựng một cơ quan đăng ký quốc tế về các kết quả ẩn danh của các nghiên cứu về mức độ chì trong máu; tạo ra các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc tế xung quanh việc tái chế và vận chuyển pin axit chì đã qua sử dụng.
---
Lưu ý cho BTV
Nồng độ chì trong máu bằng hoặc trên 5 microgam /deciliter (µg/dL) là mức độ mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tuyên bố cần có sự can thiệp để bảo trợ trẻ em. Bởi mức độ mà Tổ chức Y tế Thế giới cho biết này có thể liên quan đến việc giảm trí thông minh ở trẻ em, các vấn đề hành vi và khó khăn trong học tập.
Đồ họa cho thấy mức độ chì trong máu trung bình trên toàn cầu: https://lead.pollutions.org/
Tải xuống báo cáo tiếng Anh tại đây: https://www.unicef.org/reports/toxic-truth-childlings-exposeure-to-lead-pollutions-2020
Tải xuống nội dung đa phương tiện tại đây: https://weshare.unicef.org/Package/2AM408PN7ILM
Về tổ chức Pure Earth
Giảm ô nhiễm, cứu cuộc sống, bảo vệ hành tinh
Pure Earth giúp cứu giúp và cải thiện cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống của trẻ em trong các cộng đồng nghèo, bằng cách giảm ô nhiễm gây bệnh. Chúng tôi xác định các điểm nóng độc hại và hướng dẫn cộng đồng cách cải thiện chất lượng đất, nước và không khí bằng các giải pháp hiệu quả cao với chi phí thấp. Các công việc trên thực địa, kết hợp với các nghiên cứu và các hoạt động vận động chinh sách của chúng tôi đã giúp tăng cường ưu tiên giải quyết ô nhiễm trên toàn cầu.
Theo dõi Pure Earth Twitter và Facebook
Về UNICEF
UNICEF hoạt đông ở những nơi khó khăn nhất trên thế giới, tiếp cận những trẻ em thiệt thòi nhất trên thế giới. Để cứu mạng sống của trẻ em. Bảo vệ quyền trẻ em. Giúp trẻ em phát triển hết tiềm năng của mình. Hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ, UNICEF làm việc vì mọi trẻ em, ở mọi nơi, mỗi ngày, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người. Và chúng tôi không bao giờ lùi bước. Truy cập http://www.unicef.org/vietnam để biết thêm thông tin về UNICEF và hoạt động của UNICEF vì trẻ em.
Theo dõi chúng tôi trên Facebook, Instagram, Twitter và TikTok
Cần thêm thông tin, mời liên hệ
- Louis Vigneault-Dubois, UNICEF Việt Nam, Tel. +84-4-38500241, +84-966539673, email : lvigneault@unicef.org
- Nguyễn Thị Thanh Hương, UNICEF Việt Nam, Tel. 84-4-38500225, +84-904154678, email: ntthuong@unicef.org
Liên hệ báo chí
Giới thiệu về UNICEF
UNICEF thúc đẩy quyền và phúc lợi của mọi trẻ em, trong tất cả các hoạt động của mình. Cùng với các đối tác, chúng tôi hoạt động tại 190 quốc gia và vùng lãnh thổ để biến cam kết thành hành động thiết thực, tập trung nỗ lực đặc biệt vào việc tiếp cận những trẻ em dễ bị tổn thương nhất và bị loại trừ, vì lợi ích của tất cả trẻ em, ở khắp mọi nơi. Để biết thêm thông tin về COVID-19, truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi/covid-19
Để biết thêm thông tin về UNICEF và công việc mà chúng tôi đang làm vì trẻ em hãy truy cập https://www.unicef.org/vietnam/vi
Đồng hành cùng UNICEF trên Facebook, Instagram, Twitter và TikTok