Trẻ em ở Maldives lặn lội tới trường

Biến đổi khí hậu đã gây ra tác động lớn đến quần đảo, bao gồm cả cuộc sống của trẻ em trong nước.

By Eliane Luthi
Maldives. A girls stands holding a book near her school.
UNICEF/UN0543151/Faheem
31 Tháng 10 2022

DHIFFUSHI, Maldives – Fathimath kể: “Khi xảy ra lũ lụt, chúng cháu phải cởi giày tất bỏ vào trong cặp và phải lội nước để đến lớp.”

Trường của Fathimath nằm trên một hòn đảo nhỏ cách Male, thủ đô của Maldives khoảng 45 phút đi thuyền, và chỉ cách biển 30 mét. Thứ duy nhất bảo vệ ngôi trường khỏi nước biển dâng là những rặng dừa, một số rặng đã bị đổ xuống biển, và một hàng bao cát được xếp dưới cổng chính của trường. Ngay cả khi đã có những biện pháp phòng ngừa như vậy, khu vực này vẫn bị lụt vài lần trong năm, ngập cả sân trường.

Theo Fathimath chia sẻ: “Chúng cháu không thể dùng cổng chính khi ngập lụt”. Khi lũ lên, nước có thể ngập đến 1 feet, Fathimath và các bạn khác phải đi dép cao su để lội tới lớp – hoặc phải bỏ hết cả giày dép để đi.

Fathimath và Ahmed, bạn cùng trường của mình, đứng trước ngôi trường ở Dhiffushi, Maldives.
UNICEF/UN0543143/Faheem
Fathimath và Ahmed, bạn cùng trường của mình, đứng trước ngôi trường ở Dhiffushi, Maldives.

Không phải lúc nào đảo Dhiffushi cũng ngập lụt như vậy, nhưng qua hình ảnh vệ tinh, chính quyền địa phương ước tính khoảng 60 mét bãi biển đã biến mất kể từ năm 2015.

Aishath Dheena, giáo viên trưởng trường Dhiffushi bồi hồi nhớ lại: “Khi tôi còn nhỏ, bãi biển ngập tràn cây cối. Có những bụi cây xanh rì, rậm rạp tới mức không thể nhìn xuyên qua chúng. Chúng tôi còn xây nhà trên cây bằng bìa cứng. Nhưng giờ đây, một phần lớn của hòn đảo đã biến mất.”

Aishath đứng trước tòa nhà mà cô dạy học.
UNICEF/UN0543145/Faheem
Aishath đứng trước tòa nhà mà cô dạy học.

Những hàng bao cát màu xanh thẫm xếp dọc bến du thuyền cạnh những thùng bê tông và con đê – những công trình được xây dựng để bảo vệ bờ biển. Máy bơm nước cũng nhô ra từ bờ biển, sẵn sàng bơm nước lũ trở lại biển, trong khi các máy khác sẵn sàng thay thế cát bị mất.

Các trụ bê tông xếp dọc bãi biển ở Dhiffushi để bảo vệ hòn đảo khi nước biển dâng.
UNICEF/UN0543168/Faheem
Các trụ bê tông xếp dọc bãi biển ở Dhiffushi để bảo vệ hòn đảo khi nước biển dâng.

Maldives là địa điểm “đứng mũi chịu sào”, trung tâm của cuộc khủng hoảng khí hậu. Một số dự báo ước tính nơi đây sẽ không thể sinh sống được vào năm 2050 và sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này. Đê biển và tường chắn sóng là những công trình thường thấy nhằm bảo vệ hòn đảo mong manh, không ngừng bị đại dương xâm lấn và dần dần nhấn chìm. Trong khi đó, nền nhiệt thay đổi đã làm gia tăng những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng như sốt xuất huyết, và nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm tới mức cần phải vận chuyển thêm nước tới một số hòn đảo.

 

 

Cổng chính vào trường Dhiffushi, cổng không thể hoạt động được khi khu vực bị ngập lụt.
UNICEF/UN0543212/Faheem
Cổng chính vào trường Dhiffushi, cổng không thể hoạt động được khi khu vực bị ngập lụt.

Tòa nhà mới nhất của trường được xây dựng trên nền móng được nâng lên, nhưng Aishath cho rằng ngay cả những biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như vậy cũng không phải là giải pháp dài hạn. Cô nói: “Thực tế là biển sẽ dâng lên đến ngay ngưỡng cổng trường học trong vòng chưa đến 20 năm”.

Các bao cát xếp dọc bãi biển ở Dhiffushi để bảo vệ hòn đảo khi nước biển dâng.
UNICEF/UN0543186/Faheem
Các bao cát xếp dọc bãi biển ở Dhiffushi để bảo vệ hòn đảo khi nước biển dâng.

Xói mòn bờ biển vốn đã là một vấn đề nghiêm trọng đối với gần hai phần ba số hòn đảo của Maldives, đây là một thực tế khiến giới trẻ ở đất nước này lo lắng về tương lai của mình. Một khảo sát mới đây qua U-Report nhận thấy hơn ba phần tư giới trẻ ở Maldives lo ngại về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, 92% trong đó cho biết muốn được hỗ trợ để triển khai nhiều hành động hơn.

 

Ông Ibrahim, cha của Fathimath, ngồi cùng con trai trên bãi biển Dhiffushi.
UNICEF/UN0543222/Faheem
Ông Ibrahim, cha của Fathimath, ngồi cùng con trai trên bãi biển Dhiffushi.

Ông Ibrahim, cha của Fathimath, làm việc cho công ty điện lực. Ông cho biết nguồn cấp điện cũng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ông nói: “Các hộp phân phối bị hư hại do ngập lụt. Việc này gây ra tình trạng cắt điện, có thể là trên toàn đảo, và chúng tôi thường xuyên phải sửa chữa và bảo trì thiết bị.”

Maldives đã thực hiện những bước đi đầy tham vọng để ứng phó với khủng hoảng khí hậu, như dần chấm dứt việc sử dụng nhựa dùng một lần tới năm 2023 và cam kết phát thải ròng bằng 0 tới năm 2030. Nhưng đối với một quốc gia chỉ đóng góp 0,003% vào phát thải khí nhà kính, hành động cấp quốc gia gần như không đủ để thay đổi tương lai ảm đạm của trẻ em.

Marjan Montazemi, Trưởng đại diện UNICEF tại Maldives tuyên bố: “Chúng ta phải nhìn nhận cuộc khủng hoảng khí hậu như cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em. Với trẻ em và thanh thiếu niên ở Maldives, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trực tiếp tới trường học, trung tâm y tế và sự sống còn của các em. Trẻ em và thanh thiếu niên phải được coi là trung tâm của mọi đàm phán, quyết định về khí hậu, và thế giới cần đẩy mạnh hành động để giảm phát thải, đầu tư vào thích ứng với biến đổi khí hậu, tích cực làm việc với thanh thiếu niên và giúp trẻ em được giáo dục về khí hậu, cũng như các kỹ năng xanh.”

Fathimath, bên trái, và bạn học Ahmed đi bộ dọc theo bãi biển ở trước trường học.
UNICEF/UN0543146/Faheem
Fathimath, bên trái, và bạn học Ahmed đi bộ dọc theo bãi biển ở trước trường học.

UNICEF Maldives đang mở rộng hoạt động về biến đổi khí hậu, hợp tác với Chính phủ để hỗ trợ công tác giáo dục về khí hậu ở trường, giảm ô nhiễm nhựa thông qua các chiến dịch thay đổi hành vi, mở rộng kỹ năng xanh cho thanh thiếu niên, và cung cấp cho các em những công cụ, hệ thống hỗ trợ và sự tự tin hành động.

Fathimath đi dọc bờ sông với bố và em trai.
UNICEF/UN0543218/Faheem
Fathimath đi dọc bờ sông với bố và em trai.

Đưa trẻ em trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động xoay quanh ứng phó khí hậu sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo thanh thiếu niên không mất niềm tin vào tương lai. Điều may mắn là, Fathimath dường như quyết tâm thực hiện vai trò của mình trong công cuộc tìm ra giải pháp. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cô bé dự định học tiếp ở thủ đô, sau đó quay trở về hòn đảo quê hương – nằm ở cực đông Maldives, nơi mặt trời mọc đầu tiên và nổi tiếng với món cá hầm thơm phức.

Fathimath nói: “Cháu biết có giải pháp cho vấn đề này. Chúng ta sẽ không mất hy vọng. Tất cả chúng ta đều có thể giúp cộng đồng giải quyết vấn đề này.”