Việt Nam tăng cường tiếp cận tư pháp cho người chưa thành niên
UNICEF hỗ trợ Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam trong việc xử lý các vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên.
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Hà Nội, 24 tháng 7 năm 2019 – Hôm nay tại Hà Nội, UNICEF và Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã phối hợp tổ chức một Hội thảo tham vấn về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC về các tội xâm hại tình dục, đặc biệt là xâm hại tình dục người chưa thành niên. Dưới sự chủ trì của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia tư pháp, cán bộ thi hành pháp luật, thảo luận về cách thức hướng dẫn và giải thích những yếu tố cơ bản của các tội xâm hại tình dục cũng như các biện pháp mà thẩm phán có thể áp dụng để làm cho thủ tục xét xử thân thiện hơn với người chưa thành niên nhằm thúc đẩy hiệu quả thi hành pháp luật.
Xâm hại tình dục đối với trẻ em đang là một vấn đề hết sức đáng quan ngại ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2013-2017, khoảng 8.100 vụ xâm hại tình dục trẻ em đã được đưa ra xét xử trước tòa. Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong việc tăng cường hệ thống luật pháp để phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, một số tội phạm xâm hại tình dục khác vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng trong Bộ luật Hình sự và cũng chưa phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền trẻ em và Nghị định thư không bắt buộc về Mua bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn.


“Cách định nghĩa tội phạm tình dục trong luật sẽ tác động trực tiếp đến cách điều tra viên, kiểm sát viên, và thẩm phán xử lý các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, từ đó ảnh hưởng đến việc trẻ em trai và trẻ em gái là nạn nhân bị xâm hại tình dục có tố giác tội phạm để đòi hỏi công lý được thực thi hay không”, ông Friday Achilefu Nwaigwe, Quyền Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhấn mạnh.
Tại hội thảo, bà Shelley Casey, Chuyên gia Pháp lý cho trẻ em của UNICEF đã chia sẻ những thực hành tốt trên thế giới trong việc giải quyết các vụ việc liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em và trinh bày những khuyến nghị của UNICEF về nghị quyết này.
Bên cạnh việc đóng góp ý kiến tại hội thảo, UNICEF cũng chia sẻ một một bộ khuyến nghị trong đó phân tích về những kẽ hở của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, đề xuất các giải pháp ngắn hạn có thể được khắc phục trong Nghị quyết này, và những giải pháp dài hơi hơn cần được thực hiện thông qua việc tiếp tục sửa đổi hai bộ luật này.
Phát biểu tại Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham vấn rộng rãi ý kiến của đông đảo các nhà chuyên môn, chuyên gia, các đối tượng có liên quan, người dân, để bảo đảm rằng dự thảo Nghị quyết phản ảnh đúng thực tiễn và giải quyết được những vướng mắc trong quá trình xử lý tội phạm xâm hành tình dục đối với người chưa thành niên. Chánh án ủng hộ khuyến nghị của UNICEF về việc mở rộng phạm vi của dự thảo Nghị quyết để tăng cường bảo vệ người chưa thành niên khỏi các hành vi bóc lột tình dục. Chánh án cũng cho rằng có thể tăng cường nội dung của dự thảo Nghị quyết trên cơ sở học hỏi từ các bài học tốt trên thế giới nhằm giảm tổn thương tâm lý cho người chưa thành niên, hiệu quả khai báo, góp phần vào việc xử lý công bằng, thỏa đáng các vụ xâm hại tình dục người chưa thành niên, cũng như bảo đảm rằng kẻ phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm trước công lý. Những biện pháp có thể áp dụng bao gồm thay đổi cách bài trí trong phòng xử lý, thay đổi cách đặt câu hỏi đối với người chưa thành niên, cấm đối chất trực tiếp giữa bị cáo và nạn nhân.
Hội thảo này là sự tiếp nối những hỗ trợ của UNICEF đối với Chính phủ Việt Nam trong nhiều năm qua để tăng cường tiếp cận tư pháp cho người chưa thành niên, để các em trai và em gái là nạn nhân bị xâm hại tình dục được hưởng kết quả xử lý nhanh chóng và công bằng phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về quyền trẻ em của Việt Nam.