‘Trước dịch, gia đình chúng tôi không phải hộ nghèo, nhưng giờ thì khác rồi’ – trích lời chị Hiền
Tại Việt Nam, gần 11% trẻ em Việt Nam nghèo đa chiều (2022).[i] UNICEF Việt Nam hỗ trợ xây dựng hệ thống an sinh xã hội đảm bảo mọi trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Chị Hiền vừa lau những giọt mồ hôi sau trận bóng đá trên gương mặt Huy, cậu con trai 12 tuổi của mình vừa kể: “Tôi đang làm tất cả những gì có thể để cho bốn con trai học đến lớp 12. Tôi muốn các cháu có một tương lai tốt đẹp hơn.”
Cũng giống như 70% các hộ gia đình phải cắt giảm chi phí thực phẩm cho con cái trong giai đoạn đại dịch COVID-19,1 chị Hiền cũng phải giảm số lượng thức ăn mỗi bữa và cũng không còn đủ khả năng chi trả cho những loại thực phẩm cung cấp vi chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của các con. Một năm sau khi các biện pháp giãn cách xã hội kết thúc, tình hình kinh tế gia đình chị vẫn chưa hồi phục. Chị Hiền lại phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Với hiện trạng thiếu đồng bộ và tập trung như hiện nay, hệ thống an sinh xã hội chưa sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của những gia đình như gia đình chị.

Tại Đà Nẵng cũng như các tỉnh thành khác, UNICEF Việt Nam đang hỗ trợ chính quyền địa phương cải thiện hệ thống bảo trợ xã hội cho trẻ em, đáp ứng những nhu cầu riêng về giới và có khả năng ứng phó với những thay đổi đột ngột. Hệ thống này nhằm kết nối trẻ em và gia đình với các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng và giáo dục chất lượng nhằm đảm bảo mọi trẻ em đều không bị phân biệt đối xử trong cuộc sống.
Tác động sâu rộng của khủng hoảng
Gia đình chị Hiền sinh sống tại một quận ngoại thành thành phố biển Đà Nẵng. Chị mở một quán bún mắm gần bờ sông Cẩm Lệ. Trước đại dịch, mỗi ngày thu nhập của chị dao động từ 200,000 đến 300,000 đồng, tương đương với 8-12 đô la Mỹ. Số tiền này đủ cho chị nuôi cả gia đình.
Chị nhớ lại: “Trước dịch, tôi kiếm được lắm.”

Bé Huy chia sẻ, “Con ước mẹ làm việc gần nhà để mẹ về nhà sớm hơn.”
Tuy nhiên, như hàng triệu người dân khác, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến gia đình chị Hiền. Sau một thời gian dài thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tình trạng các doanh nghiệp ngừng hoạt động và nhiều dự án xây dựng bị đình trệ đã khiến thu nhập của gia đình chị giảm đi một nửa.
Trên khắp Việt Nam, đại dịch đã làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo và sự phân biệt đối xử. Không chỉ chị Hiền mà hơn 10 triệu người Việt Nam đã mất việc hoặc chịu cảnh giảm thu nhập.2 Điều này làm gia tăng các tác động đối với nhóm trẻ em dễ bị tổn thương, trong đó bao gồm bốn con của chị Hiền khi các em không thể tiếp cận những dịch vụ xã hội thiết yếu. Chị Hiền chia sẻ, “Sau dịch, mình buôn bán bị ế. Trước dịch, gia đình mình không phải hộ nghèo, nhưng giờ thì khác rồi.”
Những tác động về kinh tế xã hội của đại dịch cứ âm ỉ len lói vào từng ngóc ngách trong cuộc sống của chị Hiền, đặc biệt ảnh hưởng đến việc học hành, dinh dưỡng, và phát triển thời kỳ tuổi thơ của các con chị. Việc học của cháu Thành, con thứ ba của chị đã bị gián đoạn. Thành đáng lẽ ra đã vào lớp 2 nhưng giờ mới bắt đầu lên lớp 1.
“Tôi lo lắm. Nỗi sợ lớn nhất của tôi là mỗi lần con đau ốm mà không có tiền chữa trị,” chị Hiền nói thêm.

Trợ giúp xã hội là giải pháp
Tại Hòa Vang, một huyện khác thuộc thành phố Đà Nẵng, gia đình chị Phương cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, nhờ có trợ giúp bằng tiền mặt từ chính phủ, gia đình đã bớt khó khăn hơn trước sự suy giảm kinh tế.
Theo chia sẻ của chị Lê Nguyễn Thị Thanh Vân, một nhân viên công tác xã hội từng tham gia khóa đào tạo nhân viên công tác xã hội do UNICEF hỗ trợ tổ chức: “Gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Cha thì không đi làm được. Mẹ thì ốm.”
Trong gian gác trọ của nhà chị Phương, căn phòng duy nhất đã được ngăn cách làm đôi bởi các tấm bìa các-tông. Một bên cho chị Phương và chồng nghỉ ngơi, một bên cho con gái 12 tuổi Thùy Dương và con trai 8 tuổi Anh Khoa học tập và sinh hoạt. Hai bé đều thương nhau và còn có chung ngày sinh nhật. Mỗi sáng sớm, Dương đèo em đi học trên chiếc xe đạp hoen gỉ, rồi mỗi đêm, dưới chiếc trần nhà dán đầy đề can hình ngôi sao, cô bé thì thầm những bí mật với Anh Khoa rồi cùng nhau cười khúc khích trước khi chìm vào giấc ngủ.
Chị Vân chia sẻ tiếp, “Đấy là còn chưa nói đến việc bé gái có khuyết tật về trí tuệ.”


Chị Vân chia sẻ tiếp, “Đấy là còn chưa nói đến việc bé gái có khuyết tật về trí tuệ.”
Nhìn cháu chơi ru-bích, cũng khó nhận ra Dương có khuyết tật. Em khoanh chân, mắt dán chặt vào những hình khối đầy màu sắc của khối lập phương, rồi điêu luyện di chuyển những ngón tay quanh các cạnh góc sáng bóng của đồ chơi này.
Chị Phương hồi tưởng, “Khi còn bé, cháu nó đã rất chậm. Đi chậm rồi nói cũng chậm. Tới vào lớp 1 thì học chậm hoàn toàn so với các bạn.”
Do Dương là trẻ m khuyết tật trí tuệ, gia đình chị Phương được nhận trợ giúp xã hội hàng tháng từ chính phủ, với mức trợ giúp khoảng 800,000 đồng (40 đô-la) một tháng.
Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng (Sở LĐTBXH) cho biết, “Trợ giúp xã hội cho trẻ em rất quan trọng vì đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của thành phố và đất nước.”
Sự hỗ trợ này đóng vai trò ý nghĩa trong việc giảm nhẹ các gánh nặng tài chính mà gia đình chị Phương phải đối mặt. Nhờ những đó mà ngay cả trong thời điểm đại dịch, chị Phương vẫn có thể trả tiền học và mua thức ăn cho con.
Chị Phương nhớ lại, “Từ khi có hỗ trợ, Dương cũng tiến bộ nhiều trong học tập. Cháu trước phải học lại lớp 1, nhưng giờ thuận lợi lên được lớp 2, 3, 4.”

Chị Phương cũng có chung hy vọng cho hai con mình như chị Hiền, “Tôi rất hạnh phúc và biết ơn, cho dù con tôi có chậm hơn các bạn đi nữa. Tôi sẽ làm việc chăm chỉ để con được đi học. Tôi hy vọng các con có thể học xong trung học phổ thông.”
Với những hộ gia đình quanh năm nghèo đói, hỗ trợ bằng tiền mặt là hình thức hỗ trợ trực tiếp nhằm giải quyết các nhu cầu thiết yếu của trẻ, giúp các em tăng tiếp cận những dịch vụ an sinh xã hội như giáo dục, y tế, và bảo vệ trẻ em. Đây cũng là cách giải quyết tình trạng nghèo và dễ bị tổn thương hiệu quả. Ngoài ra, hỗ trợ bằng tiền mặt còn giúp các gia đình bớt vất vả vì thất nghiệp, đau ốm, thiên tai hoặc đại dịch.
“Các bằng chứng nghiên cứu đã chỉ ra rằng hỗ trợ tiền mặt cho các gia đình có trẻ nhỏ tại các quốc gia thu nhập trung bình chỉ tiêu tốn khoảng 1% GDP, nhưng lại giúp giảm đến 20% tỷ lệ nghèo trên cả quốc gia,”3 bà Nguyễn Thị Trang, cán bộ Chính sách Xã hội, UNICEF khẳng định. “Khi hỗ trợ tiền mặt gắn liền với các dịch vụ thiết yếu, trợ giúp an sinh xã hội có tác động tích cực đến sức khỏe và giáo dục của trẻ em cũng như sinh kế các hộ gia đình.”

Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau
Ở Việt Nam, chỉ có khoảng 10% trẻ em và dưới 1% trẻ dưới 3 tuổi được nhận trợ giúp về tiền mặt.4 Chi tiêu cho chăm sóc và bảo vệ trẻ em chiếm 0,2% chi tiêu của chính phủ cho an sinh xã hội.5 Trong khi đó, chỉ 0,3% GDP giai đoạn 2020 – 2021 được phân bổ cho trợ giúp xã hội ứng phó với COVID-19, nếu so với mức trung bình 5% GDP đầu tư của các quốc gia khác trong khu vực.6
UNICEF hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thu thập số liệu, nâng cao năng lực và xác định các phương án về tài chính nhằm cải thiện hệ thống an sinh xã hội dành cho trẻ em, đáp ứng những đòi hỏi riêng về giới và có khả năng ứng phó với những thay đổi đột ngột trong xã hội. Ở cấp địa phương, chúng tôi đang làm việc với các đối tác nhằm mở rộng độ bao phủ và nâng mức trợ giúp xã hội cho trẻ em. Kon Tum và Điện Biên, là 2 tỉnh khác ở Việt Nam, đã mở rộng trợ giúp an sinh xã hội tới nhiều trẻ em dễ bị tổn thương và phân biệt đối xử hơn.
Tại thành phố Đà Nẵng, trong hai năm tới, UNICEF sẽ hỗ trợ xây dựng một chương trình trợ giúp an sinh xã hội cho trẻ em nhằm giúp trẻ an toàn trước những thay đổi đột ngột của xã hội. Chương trình bao gồm khả năng thí điểm một chính sách hỗ trợ tiền mặt liên kết (cash plus) với mục đích vận động mở rộng hỗ trợ trẻ từ 0 đến 3 tuổi và gắn kết hỗ trợ tiền mặt với việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tú - bé thứ 4 của chị Hiền sẽ tròn 3 tuổi vào năm nay. Cậu bé ít khi khóc, thích khám phá thế giới bằng đôi chân trần, và không ngần ngại chia cho bạn bánh kẹo của mình. Nhờ chương trình do UNICEF hỗ trợ, những trẻ như Tú sẽ đươc bảo vệ và phát huy hết tiềm năng, như điều cha mẹ các em luôn cố gắng để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em mình.
Nguồn:
-
[i] TCTK & UNICEF (2022). Nghiên cứu về xu hướng nghèo đa chiều ở trẻ em.
-
Hình dung về một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi trẻ em
-
UNICEF (2020). Đánh giá nhanh tác động KT&XH của đại dịch COVID-19 đối với trẻ em và gia đình tại Việt Nam. <https://www.unicef.org/vietnam/reports/rapid-assessment-social-and-economic-impacts-covid-19-children-and-families-viet-nam>
-
ODI & UNICEF (2020). Lợi ích phổ quát cho trẻ em: vấn đề chính sách và các lự a chọn< https://www.unicef.org/sites/default/files/2020-07/UCB-ODI-UNICEF-Report-2020.pdf>
-
Như trên
-
UNICEF Viet Nam (2020). Tóm tắt chính sách: Bảo trợ xã hội nhạy cảm với trẻ em ở Việt Nam.
-
Như trên.