Những câu chuyện thành công của vắc xin COVID-19
Vắc xin là một sáng chế lớn giúp bảo vệ người dân. Dưới đây là những câu chuyện về cuộc sống của người dân trong chiến dịch vắc xin tiêm chủng mở rộng của UNICEF

- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Động lực của UNICEF khi hỗ trợ thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất trong lịch sử là để đảm bảo rằng mọi cộng đồng đều được bảo vệ trước dịch bệnh COVID-19. Kể từ khi sáng kiến COVAX được triển khai vào tháng 2 năm 2021, hiện nay đã có hơn 1,4 tỷ liều vắc xin được tiêm cho người dân tại hơn 140 quốc gia.
Đối với nhiều người, vắc xin mang đến cho họ cơ hội đoàn tụ với với người thân sau thời gian dài xa cách và giúp cho nhiều người có thể quay trở lại làm việc để có thu nhập nuôi gia đình.
Hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng tại một số quốc gia đã gia tăng đáng kể chỉ trong vòng một vài tháng. Và dưới dây mà một số những câu chuyện mà vắc xin COVID-19 giúp ích cho người dân.
Tỷ lệ tiêm chủng tại Bangladesh đã gia tăng mạnh mẽ nhờ có nhiều vắc xin
Khi những liều vắc xin COVID-19 đầu tiên do COVAX tài trợ có mặt tại thủ đô Dhaka của Bangladesh vào tháng 6 năm 2021. Lúc này, tại đây chưa đến 4% tổng số người trưởng thành được tiêm đủ số mũi vắc xin. Và chỉ chưa đầy một năm sau đó, con số này đã gia tăng một cách đáng kể. Vào đầu tháng 4, 67% dân số tại Bangladesh đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin.
COVAX đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt được thành tích đáng mừng này. Bởi hơn một nửa số vắc-xin COVID-19 được chuyển đến Bangladesh vào năm ngoái là thông qua cơ chế COVAX.

Để những liều vắc xin có thể chuyển đến tay phần lớn người dân thì không thể thiếu sự hỗ trợ nhiệt tình từ các tình nguyện viên trẻ tuổi tại Bangladesh. Cùng với sự tuyên truyền thông điệp vắc xin COVID-19 mang lại sự an toàn để giúp nâng cao sự hiểu biết của người dân về vắc xin. Dưới đây là câu chuyện mà vắc xin đã giúp ích cho người dân của Bangladesh.
Mukta, 24 tuổi, lớn lên tại Dhaka, đang là sinh viên chuyên ngành dinh dưỡng, là một trong những tình nguyện viên chống dịch. Mukta mong muốn được giúp đỡ mọi người trong thời gian xảy ra đại dịch, vì vậy Mukta đã đăng ký trở thành tình nguyện viên của UNICEF.
Mukta đã đi đến từng nhà, nói chuyện với những người cao tuổi, những gia đình sống trong khu ổ chuột và những người không có điện thoại di động hoặc internet.
Mukta chia sẻ: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều những nhóm người dễ bị tổn thương. Tôi yêu thích công việc được đến nhà mọi người và nâng cao nhận thức của họ về việc tiêm vắc-xin. Tôi mong muốn được giúp đỡ họ.”
Nazma, 50 tuổi, là một trong những người được Mukta giúp đăng ký tiêm vắc-xin COVID-19 trực tuyến. Đối với Nazma, việc này là một sự giúp đỡ vô cùng lớn lao mà bà nhận được.
Nazma cho biết: “Tôi không có điện thoại thông minh. Tôi không biết làm thế nào để đăng ký tiêm vắc-xin. Tôi thậm chí còn không biết nhờ ai giúp. Tôi sợ rằng tôi có thể sẽ không được tiêm vắc-xin."
Nhưng, với sự giúp đỡ của những tình nguyện viên của UNICEF thì hiện giờ Nazma đã được tiêm vắc-xin và đảm bảo biết được đầy đủ thông tin để bảo vệ mình trong đại dịch.
Nhờ vắc-xin COVID-19 mà ông bà ở Peru giờ đã có thể gặp mặt và ôm con cháu của mình
Ông Artemio Baldoceda đã chia sẻ rất nhiều về việc được tiêm vắc-xin COVID-19 có ý nghĩa ra sao đối với ông.
“Tôi rất vui khi có thêm cơ hội được sống để gặp mặt gia đình cũng như con cháu được nhìn thấy tôi. Tôi rất nhớ những đứa cháu của mình. Tôi mong chờ đến giây phút được ôm chúng vào lòng.”
Đợt vắc xin tiêm chủng mở rộng tại Peru tạo ra cơ hội cho những người cao tuổi và dễ bị tổn thương hơn như Artemio có thể gặp mặt và trao cho gia đình một cái ôm sau bao ngày xa cách.
Và đối với Carmen Castañeda, một y tá tại Trung tâm Y tế Los Libertadores ở Lima, cô tham gia vào công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19 và điều đó mang lại rất nhiều ý nghĩa cho bản thân cô.
Castañeda chia sẻ: “Tôi cảm thấy như thể mỗi người được tôi tiêm đều có thể là mẹ hoặc cha của mình. Những người cao tuổi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi có được tiêm vắc xin.”
COVAX đóng một vai trò quan trọng khi đợt tiêm chủng vắc-xin ở Peru được bắt đầu triển khai vào năm 2021. Kể từ đó, đã có hơn 8,2 triệu liều vắc-xin COVID-19 được cung cấp tới quốc gia này. Trong vòng bảy tháng qua, tỷ lệ người trưởng thành được tiêm đủ hai liều vắc-xin tại Peru đã tăng từ 25% lên gần 80%.
Tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam tăng vọt và hầu hết người dân đã được tiêm đủ liều vắc xin chống COVID-19
Tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 ở Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong vài tháng qua. Vào tháng 9 năm 2021, chưa tới 10% tổng số người trưởng thành trên cả nước được tiêm đủ hai liều vắc-xin. Tuy nhiên, đến tháng 4 năm 2022, hơn 78% người trên 12 tuổi đã được tiêm đủ hai mũi vắc xin.
UNICEF đã và đang làm việc với chính phủ Việt Nam để cung cấp vắc-xin COVID-19 cho khoảng 35% dân số cả nước thông qua sáng kiến COVAX.
Vắc-xin không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân mà còn giúp người dân đảm bảo sinh kế khi có thể làm việc để tạo ra nguồn thu nhập. Dưới đây là những câu chuyện về cuộc sống người dân Việt Nam khi có vắc xin.

Chị Lò Thị Sơn sống trong một ngôi làng miền núi xa xôi ở Tây Bắc Việt Nam và đang nuôi hai con gái nhỏ. Trong thời gian diễn ra đại dịch, cả chồng và bố chồng Sơn đều mất việc. Để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, chị Sơn hy vọng có thể bán rau ở chợ, nhưng những rủi ro liên quan đến sức khỏe khiến việc này trở nên khó khăn.
Chị Sơn nhớ lại: “Tôi rất buồn vì không có đủ tiền mua tã và sữa cho con. Tôi cũng sợ đến những nơi đông người vì tôi đang nuôi con nhỏ”.
Do đó, cơ hội được tiêm vắc-xin COVID-19 đã giúp đỡ kinh tế cho chị Sơn một cách đáng kể. Chị Sơn chia sẻ về lần tiêm mũi thứ hai vào tháng 11 năm 2021: “Vắc-xin COVID-19 giúp tôi cảm thấy an toàn và yên tâm hơn. Tôi sẽ có thể đi chợ và bán rau một cách an toàn để kiếm thêm thu nhập cho gia đình."
Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng ở vùng sâu và các vùng dễ bị thiên tại Philippines
Ở Philippines, tỷ lệ vắc xin tiêm chủng mở rộng đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây. Vào tháng 9 năm 2021, chưa đến 18% dân số Philippines được tiêm chủng đầy đủ. Nửa năm sau đó, đến tháng 4 năm 2022, tỷ lệ tiêm tại Philippines hiện đã hơn 59%.
Khoảng 1/3 số vắc-xin COVID-19 được tiêm cho người dân Philippines là thông qua sáng kiến COVAX.

Việc đảm bảo các cộng đồng tại Philippines đều được tiếp cận với vắc-xin là một trong những thách thức đặt ra. Công tác này đòi hỏi phải tiếp cận hàng trăm hòn đảo có vị trí khó tiếp cận và các khu vực thường xảy ra thiên tai.
Ví dụ như thành phố Kabugao ẩn mình trong những dãy núi và cách thủ đô Manila 500 km về phía bắc. Tình trạng lũ lụt và sạt lở đất diễn ra phổ biến, kèm theo đó là thường xuyên xảy ra mất điện. Vấn đề này tạo ra một thách thức lớn do vắc-xin COVID-19 cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp trong tủ lạnh và tủ đông.
Chính vì vậy, với sự hỗ trợ của chính phủ Nhật Bản, UNICEF đã cung cấp hàng chục chiếc tủ lạnh chạy bằng năng lượng mặt trời cho các cộng đồng như Kabugao, nhằm đảm bảo có thể lưu trữ vắc-xin trong thời gian dài ngay cả trong trường hợp mất điện.
UNICEF cũng đang nỗ lực cung cấp vắc-xin COVID-19 cho cộng đồng người Aeta bản địa. Bạn có thể xem và tìm hiểu thêm về những nỗ lực đó dưới đây.
COVAX tiến về phía trước
Do số lượng vắc-xin COVID-19 trên thị trường ngày càng tăng, nên hiện nay đã có đủ lượng vắc-xin cần thiết để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Vì vậy, trọng tâm hiện tại không phải là giải quyết những hạn chế về mặt nguồn cung. Thay vào đó, ưu tiên trong tương lai sẽ dành cho việc đảm bảo người dân được tiêm đủ vắc-xin. Điều này đồng nghĩa với việc cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia có hệ thống y tế hạn chế hơn để đảm bảo có đủ nhân viên y tế được đào tạo bài bản, có sẵn dịch vụ hậu cần cần thiết và khả năng tiếp cận các trang thiết bị như ống tiêm và tủ đông.
Tham khảo thêm về cấu trúc của một hệ thống y tế vững chắc và lý do tại sao các hệ thống này lại quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.
Thông qua cơ chế COVAX – cùng với GAVI, WHO và CEPI – UNICEF UNICEF đang dẫn đầu nỗ lực mua sắm và cung cấp vắc-xin COVID-19.