Nhận biết tâm lý trẻ em 14 - 18 tuổi để hiểu và trò chuyện về sức khỏe tinh thần
Mỗi thời điểm, tâm lý trẻ em sẽ có những diễn biến khác nhau. Thời điểm mà bố mẹ có thể bắt đầu cuộc trò chuyện về sức khỏe tinh thần của trẻ là từ 14 - 18 tuổi. Cùng UNICEF tìm hiểu về giai đoạn phát triển tâm sinh lý này nhé!
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Trong giai đoạn phát triển, con trẻ sẽ có nhiều cảm xúc, hành vi mà có thể ảnh hưởng đến cách sống sau này của con. Vậy làm sao để hiểu và đối phó với những rủi ro về mặt cảm xúc, các hành vi tiêu cực mà không làm tổn thương con?
Tâm lý trẻ em độ tuổi 14 đến 18
Từ 14 đến 18 tuổi, đây là giai đoạn con sắp trưởng thành. Trẻ đã bắt đầu phát triển tính cách riêng của bản thân và muốn trở nên độc lập cũng như có trách nhiệm hơn.
Thanh thiếu niên lúc này thường tăng tương tác với mọi người thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại di động. Do vậy, các con sẽ ít dành thời gian cho gia đình hơn. Ngược lại, sẽ dành nhiều thời gian hơn cho bạn bè, cả trên mạng và bên ngoài.
Tâm lý trẻ em trong giai đoạn này có thể phát sinh một số thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ và hành động. Bên cạnh đó, thể chất lúc này của trẻ cũng thay đổi.
Các vấn đề tâm lý trẻ em từ 14 - 18 tuổi
● Những thay đổi nhanh chóng về thể chất, dẫn đến những lo âu về kích thước cơ thể, vóc dáng và cân nặng.
● Lo lắng về chế độ ăn uống.
● Tâm trạng thay đổi và sợ giao tiếp xã hội hơn.
● Buồn bã hoặc trầm cảm, có thể dẫn đến tự ti hoặc các vấn đề khác.
Không đơn thuần là cảm thấy buồn bã
- Sức khỏe tâm thần kém ở tuổi dậy thì có thể đi kèm với các nguy cơ về sức khỏe và hành vi khác, bao gồm lạm dụng cồn và chất kích thích, bạo lực và quan hệ tình dục không lành mạnh.
- Do nhiều thói quen sức khỏe và hành vi sẽ theo con từ lúc dậy thì đến khi con trưởng thành, bạn cần hỗ trợ con lựa chọn các hành vi có lợi cho sức khỏe và hạnh phúc của con.
Bắt đầu bằng các câu hỏi quan tâm “Con hôm nay thế nào?”
Bạn có thể đang hòa thuận với con, hoặc đang gặp phải khó khăn. Dù cho quan hệ của bạn với con đang ở đâu, bạn cần thể hiện rằng bạn luôn có mặt để giúp con vượt qua những sóng gió bằng tình yêu thương và sự ủng hộ.
Để bắt đầu cuộc trò chuyện
● Hỏi con về ngày một ngày của con - cố gắng dành thời gian trò chuyện ngắn với con như khi nấu ăn cùng nhau.
● Đưa ra những câu hỏi mở, rõ ràng để hiểu cảm xúc của con. Bạn có thể hỏi “Con có thể giải thích... nghĩa là gì không?” hoặc “Con cảm thấy như thế nào nếu...”
● Hỏi về quan điểm của con và thậm chí chia sẻ quan điểm của bản thân bạn để hai người có thể hiểu nhau hơn.
Nếu bạn nghi ngờ con có biểu hiện tự làm hại bản thân. Hãy nhẹ nhàng tiếp cận chủ đề này và cố gắng tìm hiểu xem liệu con có từng suy nghĩ về điều này hay không.
Có thể bắt đầu bằng việc hỏi về những người khác thay vì những câu hỏi về con. Chẳng hạn như “Có những người ở tuổi con tự làm hại bản thân mình, con có bao giờ nghe nói đến chuyện này trong nhóm bạn bè mình hay chưa?”.
Trấn an với con rằng bạn luôn sẵn sàng có mặt để giúp đỡ con, ví dụ như “Con biết con có thể nói chuyện với bố/ mẹ về bất cứ điều gì mà”. Điều này giúp trẻ hiểu rằng trẻ có thể tâm sự với bạn và bạn có thành ý muốn giúp đỡ con.
Những điều nên và không nên khi trò chuyện với trẻ 14 - 18 tuổi
Nên
● Hãy công nhận những điều tốt bên cạnh những điều con làm chưa tốt và tuyên dương thành tựu của con, kể cả những thứ nhỏ nhặt nhất.
● Trong giai đoạn phát triển này, cũng là khoảng thời gian con phát huy sức sáng tạo và phát triển cá nhân. Do đó hãy phát hiện ra các điểm mạnh ở con.
● Thế giới có thể thật khó đoán với trẻ, và con sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc bản thân. Hãy nói với con rằng bạn hiểu điều đó.
● Bên cạnh đó, bạn hãy tìm hiểu một cách khéo léo và tinh tế thói quen sử dụng mạng xã hội và giao tiếp của con. Tâm sự với con về khoảng thời gian con lên mạng và hướng dẫn cách bảo vệ bản thân trước việc bị quấy rối và bạo lực trên mạng. Đảm bảo rằng nếu con gặp rắc rối, hoặc phạm phải sai lầm trên mạng, bạn sẽ ở đây vì con và sẽ giúp đỡ con dù có chuyện gì đi chăng nữa.
Không nên
● Kiểm soát cuộc trò chuyện và nói hoặc bắt buộc con phải làm những gì. Thay vào đó, hãy hỏi xem bạn có thể làm gì để giúp con và cùng con phối hợp để tìm ra giải pháp.
● Trò chuyện với con khi bạn đang nóng giận. Rời đi chỗ khác, hít thở sâu và bình tĩnh - bạn có thể nói chuyện lại với con sau.
● Tranh giành quyền kiểm soát. Thay vì cãi vã, hãy cố gắng thấu cảm với những uất ức của trẻ.
Hãy nhớ rằng mọi chuyện đều có sự kết nối với nhau
Tinh thần và tâm lý trẻ em có sức chống chịu tốt, hãy nhớ rằng, những trải nghiệm khó khăn sẽ là một phần của quá trình trở thành một người trưởng thành độc lập và bản lĩnh.
Vì vậy, bố mẹ hãy giúp con cảm thấy gắn bó với trường học, gia đình và bạn bè là cách để nâng cao sức khỏe tâm thần và phòng tránh hàng loạt hành vi tiêu cực như lạm dụng chất kích thích hoặc bạo lực.
Dành thời gian để tìm cách hỗ trợ, khích lệ và kết nối với trẻ. Chuyện này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Có thể chính bạn cũng cần kiên trì và kiểm soát bản thân, nhưng điều này có thể làm được và xứng đáng với những nỗ lực bạn bỏ ra.