Cách chuẩn bị cho con bạn có một sức khỏe tinh thần tích cực trong cuộc sống: từ 0–5 tuổi
Đặt nền tảng quan trọng trong giai đoạn trưởng thành và học hỏi này.
- Ngôn ngữ tài liệu bằng:
- English
- Tiếng Việt
Từ tiếng cười, bước đi đầu đời cho đến khi trải nghiệm những khung bậc cảm xúc khác nhau, trẻ đang bước qua những cột mốc quan trọng của tuổi thơ.
Đây là giai đoạn trưởng thành và học hỏi của trẻ, và là khoảng thời gian lý tưởng để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ.
Xây dựng nền tảng cho một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh
Trẻ trông cậy vào bạn để được yêu thương, học hỏi và bảo vệ. Dành nhiều thời gian nhất có thể với con. Nuôi dưỡng một mối quan hệ ấm áp và gần gũi, che chở và chăm sóc con có hiệu quả lớn trong việc xây dựng những nền tảng sức khỏe tâm thần tốt cho suốt cuộc đời.
Đi tới :
Trẻ sơ sinh
Dành thời gian với con sẽ có lợi cho bạn và trẻ. Điều này thậm chí giúp sản sinh ra các hoóc-môn tự nhiên, giúp gắn kết mối quan hệ giữa bạn và con cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho cả hai!
- Chơi với con, âu yếm con.
- Trò chuyện với con, hát cho con nghe.
- Phản hồi trước những âm thanh con tạo ra để con bắt đầu hiểu về ngôn ngữ và giao tiếp.
Trẻ mới tập đi
Khi con bắt đầu biết đi, con càng khao khát khám phá thế giới hơn. Trí tò mò của trẻ cần được nuôi dưỡng và khích lệ.
- Đọc cho con nghe (mỗi ngày nếu bạn có thể).
- Chơi những trò chơi khuyến khích trí tò mò và sự hiếu học.
- Tập cho con gọi tên - bắt đầu từ tên của con và những đồ vật xung quanh thật đơn giản.
- Cùng con khám phá môi trường sống xung quanh mái ấm gia đình.
Trẻ mẫu giáo
Khi con trở nên tự lập và tò mò hơn, con sẽ có nhu cầu khám phá thế giới ngoài kia và học hỏi những điều xung quanh. Tương tác với mọi người giúp trẻ phát triển tư duy của bản thân và hiểu biết hơn về thế giới xung quanh.
- Khuyến khích con tương tác xã hội bằng cách chơi với bạn bè.
- Nhờ con phụ giúp bạn những việc nhà phù hợp với lứa tuổi. Hướng dẫn trẻ từng bước giải quyết những vấn đề đơn giản.
- Đặt ra ranh giới rõ ràng và kỳ vọng thực tế. Sau khi nói “không”, chỉ ra những hành động khác mà bạn muốn trẻ thực hiện.
-
Đặt ra những lựa chọn rõ ràng và dễ hiểu khi con đưa ra quyết định về đồ ăn, quần áo và đồ chơi.
Những gì cần chú ý
Trẻ nhỏ đang học cách thể hiện bản thân và quản lý những cảm xúc. Điều này đôi khi có thể gây ra sự tức giận hoặc căng thẳng khi họ không thể truyền đạt nhu cầu của mình. Khi trẻ cảm thấy căng thẳng hoặc quá tải, trẻ cần một người lớn yêu thương để giúp trấn an và giúp trẻ điều hướng cảm xúc của mình.
Tránh...
- Mọi hình thức bạo lực, bao gồm quát mắng và đánh con. Sống trong môi trường tiêu cực có thể sinh ra những “căng thẳng độc hại”, gây tổn hại tới sự trưởng thành và phát triển của trẻ cùng những hệ quả lâu dài trong cuộc sống sau này.
- Những cuộc cãi vã thường xuyên giữa cha mẹ và mọi người xung quanh trẻ. Căng thẳng trong môi trường sống có thể khiến trẻ cảm thấy căng thẳng, bị bỏ mặc, bất lực và tổn thương.
- Mọi hình thức xao nhãng trẻ. Trẻ cần sự chú ý, yêu thương và chăm sóc thường xuyên để phát triển và lớn lên khỏe mạnh.
Đừng quên: Chăm sóc cho chính bản thân bạn
Cho dù trẻ còn sơ sinh hay đã biết đi, bạn sẽ trải nghiệm rất nhiều cung bậc cảm xúc ở những thời điểm khác nhau - điều này là bình thường. Những cảm xúc bao gồm niềm vui sướng, phẫn nộ, mệt mỏi và lo âu. Mỗi khi bạn cảm thấy choáng ngợp, hãy dành thời gian để giải tỏa căng thẳng.
- Đảm bảo rằng mọi người xung quanh hỗ trợ bạn. Dành một chút thời gian cho bản thân để tạo cho mình một chút không gian riêng tư.
- Nhớ dành thời gian cho giấc ngủ, ăn uống lành mạnh và rèn luyện thể chất.
Căng thẳng là điều mà mọi người đều trải qua khi lên chức cha mẹ, nhưng đừng ngại ngần nhờ người khác giúp đỡ và hãy dành thời gian chăm lo cho nhu cầu bản thân.